Động lực mới cho thương mại biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng

Những tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa ở hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn hết sức sôi động. Đáng chú ý, việc thành lập Chi cục Hải quan khu vực VI cùng cải cách thủ tục hành chính và tăng cường hợp tác quốc tế đã tạo động lực mới cho thương mại biên giới, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng bền vững, đạt chỉ tiêu đề ra đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt từ các cấp, ngành, cơ quan quản lý và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian của Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn.
Không gian của Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn.

Kỳ 1: Tăng tốc, vận hành nhịp nhàng

Với phương châm “Làm gương-Kỷ cương-Trọng tâm-Bứt phá”, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, lối mở ở hai địa phương Lạng Sơn và Cao Bằng đã nhịp nhàng phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, lắng nghe và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Khẳng định vai trò cửa ngõ

Tính đến giữa tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn hai tỉnh đạt hơn 20,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 354,45 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.100,4 triệu USD, kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Chi cục Hải quan khu vực VI (quản lý hoạt động hải quan hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng) đạt 1.454,85 triệu USD. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi nhanh chóng mà còn minh chứng cho năng lực quản lý, điều hành linh hoạt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), quy trình kiểm tra, kiểm soát và thông quan hàng hóa được tổ chức khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Các cơ quan chức năng như hải quan, biên phòng, kiểm dịch thực vật, quản lý cửa khẩu… đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp, rút ngắn quy trình; tổ chức họp điều hành liên ngành để rà soát tình hình và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; chủ động xây dựng cơ chế phân luồng ưu tiên cho hàng dễ hư hỏng linh hoạt theo thực tế.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng chia sẻ, tỉnh đã có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu, lối mở được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện thu hút doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đến và gắn bó.

Tại Lạng Sơn, thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra thực tế hoạt động tại các khu vực cửa khẩu để nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất-nhập cảnh, xuất-nhập khẩu. Nhất là từ đầu năm 2025, tình trạng xe cơ giới nhập khẩu thông quan bị chậm trễ do thiếu Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Thanh Sơn, tỉnh đã chủ động trao đổi, đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp giải quyết, đẩy nhanh việc đăng ký, cấp biển số tạm thời cho xe cơ giới nhập khẩu. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu phía Việt Nam cho phép hàng hóa quá cảnh thông quan qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 (trước đây là cửa khẩu Tân Thanh)…

Hạ tầng logistics-nền móng vững chắc

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, từ ngày 3/5, lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua đây có xu hướng tăng mạnh. Nhiều phương tiện phải xếp hàng, dừng đỗ trên tuyến Quốc lộ 1 chờ điều tiết vào khu vực cửa khẩu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ảnh hưởng vệ sinh môi trường... Để tháo gỡ, ngay trong ngày, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động điều tiết các phương tiện vào khu vực Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn dừng đỗ, tập kết trước khi vào khu vực cửa khẩu.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: Việc điều tiết các phương tiện vào công viên Logistics Viettel Lạng Sơn dù mới thử nghiệm nhưng đã có kết quả hết sức tích cực, giảm thiểu tối đa tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn chính thức được khai trương, đưa vào khai thác từ ngày 11/12/2024, có tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất hơn 143ha, năng lực thông quan hiện nay là 1.500 xe/ngày; tích hợp đầy đủ các chức năng thông quan, xuất-nhập khẩu, các khu bảo quản sau thu hoạch, trung tâm giao dịch nông sản Việt Nam.

“Với hệ thống kiểm hóa tập trung, quản lý hàng hóa theo chuẩn quốc tế, công viên sẽ giúp doanh nghiệp giảm từ 20-30% thời gian xử lý thủ tục và kiểm tra chuyên ngành. Đây là nền tảng để Lạng Sơn xây dựng chuỗi giá trị hậu cần khép kín, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nhất là mặt hàng có yêu cầu cao về bảo quản, kiểm dịch và tốc độ giao hàng nhanh”, ông Lê Hồng Giang, Giám đốc Chi nhánh Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn khẳng định.

Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) sau khi được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, các hoạt động giao thương đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Với lợi thế tuyến vận chuyển ngắn, mặt bằng cửa khẩu rộng, hệ thống kho bãi đang được mở rộng, Trà Lĩnh thu hút một lượng lớn hàng hóa nông-lâm sản có giá trị cao.

Gắn kết, chủ động, hiệu quả

Hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đều xác định, phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những mục tiêu quan trọng của địa phương. Chính vì thế, công tác chỉ đạo thường xuyên được đôn đốc, kiểm tra giám sát chặt chẽ, đặt hiệu lực, hiệu quả lên trên hết. Các đơn vị chức năng của hai tỉnh như Chi cục Hải quan Khu vực VI, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Công thương, Ban quản lý khu kinh tế… đã quyết liệt trong chỉ đạo và phối hợp hành động.

Trung tá Vũ Anh Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với “Nền tảng cửa khẩu số” của tỉnh, lực lượng bộ đội biên phòng đã chủ động kiểm soát trước lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu đến cửa khẩu để có biện pháp phân luồng từ xa. Ngoài ra, đơn vị còn phân tích dữ liệu về mùa vụ, thời tiết; từ đó đưa ra kịch bản điều tiết phân luồng phương tiện, phối hợp các lực lượng chức năng khác ngay từ sớm, giảm thiểu tối đa tình trạng ùn ứ...

Tại Cao Bằng, Hải quan Trà Lĩnh cùng các đơn vị chức năng của tỉnh đã tạo dựng được cơ chế phối hợp tốt từ khâu tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hàng hóa đến điều tiết phương tiện. Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh, hiện cửa khẩu Trà Lĩnh đã được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế; theo kế hoạch, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp, triển khai, nâng cấp hai cửa khẩu Tà Lùng và Lý Vạn lên cửa khẩu quốc tế.

Sau bốn tháng đầu năm 2025, Lạng Sơn và Cao Bằng tiếp tục khẳng định vai trò then chốt trong chuỗi thương mại biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thành quả đạt được không chỉ đến từ nỗ lực của doanh nghiệp mà còn ở quyết tâm chính trị, quản lý, điều hành linh hoạt và phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của hai nước.

(còn nữa)