Tại đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm cho biết: Thời gian qua, giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung, còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Tính dự báo nhu cầu thị trường cũng chưa cao, vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm còn hạn chế.
Vì vậy, tại hội nghị này, tỉnh Thái Bình rất muốn lắng nghe ý kiến của các bên, từ đó biết được ách tắc, điểm nghẽn đang ở đâu để tìm cách khơi thông. Đồng chí nhấn mạnh, sau đây Thái Bình hợp nhất với tỉnh Hưng Yên sẽ tạo ra dư địa phát triển rất lớn. Vì vậy, ngay thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có hoạch định sản xuất, phát triển phù hợp, thích ứng với tình hình.
![]() |
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình Hà Thị Thu Phương phát biểu ý kiến. |
Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chia sẻ: Đi đâu cũng thấy doanh nghiệp treo biển tuyển dụng lao động, điều này cho thấy đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực. Cơ sở đào tạo nghề thì mong muốn có học viên đến, doanh nghiệp thì cũng mong mỏi tuyển dụng được người vào làm việc. Sự thiếu hụt lao động hiện nay cho thấy rõ giữa hai bên chưa gặp được nhau.

Thái Bình tập trung kết nối việc làm thời vụ tại Hàn Quốc cho người lao động
Toàn tỉnh Thái Bình có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 9 trường cao đẳng, trung cấp nghề. Số lượng đào tạo hiện nay khoảng hơn 6.000 học viên, trong khi khảo sát ngay trong năm nay các doanh nghiệp cần ít nhất 8.000 lao động, rất cần lao động chất lượng cao. Như vậy, việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Bà Phương thẳng thắn nói: “Tỉnh đã có Nghị quyết 06 hỗ trợ 6 ngành nghề để các em học sinh đi học không phải đóng học phí, nhưng đến nay rất thất vọng vì gần như không có học sinh tham gia. Vì vậy, các trường nghề cần tư duy vấn đề này, trong đó lưu ý đã mở các mã ngành mà tỉnh quan tâm hay chưa”.
![]() |
Ký kết chương trình hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình với Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình và Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Bình Minh ATC. |
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Lotes Việt Nam đang có dự án hoạt động tại Khu Kinh tế Thái Bình cho biết: "Chúng tôi có 2 khu nhà ở cho công nhân với lưu lượng tiếp nhận 750 lao động. Thời điểm này, công ty rất cần tuyển 200 lao động, nhưng địa bàn huyện Thái Thụy (nơi công ty đứng chân) gần như đã hết lao động. Chúng tôi phải phát tờ rơi, tìm kiếm người làm từ các huyện khác như Tiền Hải, Kiến Xương".
Còn đại diện Công ty may TAV (100% vốn nước ngoài), hiện đang có khoảng 5.000 công nhân cho biết: "Chúng tôi cũng đang cần 200 lao động, nhưng thời gian qua tuyển mãi mới được 20-30 người. Để thu hút nguồn lực, thậm chí công ty “treo thưởng” đến 5 triệu đồng cho lao động nào giới thiệu được người đến làm việc; còn lao động mới vào công ty được thưởng 10 triệu đồng, đã có lúc thưởng 15 triệu đồng nhưng vẫn khan hiếm nguồn".

Mở hướng đào tạo nghề chất lượng cao cho tỉnh Thái Bình
Ông Bùi Đức Dự, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Bình Minh ATC nêu ý kiến: “Thiếu lao động tại các doanh nghiệp là khó khăn thường xuyên tại mọi thời điểm. Các cơ sở đào tạo nghề cần điều chỉnh lại chương trình học, không cần thiết phải kéo dài như hiện nay. Hãy hướng đến việc đào tạo học viên theo từng công đoạn phù hợp với từng doanh nghiệp, nếu làm được thì chỉ cần một tuần đào tạo thì lao động đã có thể vào các công ty làm việc ngay”.
![]() |
Ông Hà Tiến Thăng, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu ý kiến. |
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hà Tiến Thăng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh Thái Bình có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tuy nhiên sau một thời gian vận dụng cũng cần điều chỉnh, bổ khuyết cho phù hợp với tình hình.
Tỉnh Thái Bình tổ chức hoạt động kết nối cung cầu lao động cho thấy sự quan tâm đặc biệt với doanh nghiệp. Sự hiện diện của 8 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 5 cơ sở uy tín đến từ Hà Nội và Hải Dương thể hiện sự cầu thị, mong mỏi của tỉnh sẵn sàng làm “bà mối” giữa các bên để sớm có những sản phẩm cụ thể.
![]() |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm mong muốn doanh nghiệp và các trường nghề cần chủ động tương tác, cùng đồng hành theo hướng "đặt hàng" để có sản phẩm cụ thể. |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm nêu rõ: Nhà nước có vai trò định hướng, còn chủ động vẫn phải là các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Vì vậy, khâu điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu lao động trong năm nay và các năm tới về đầu mối giao cho Sở Nội vụ, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đây là việc cần phải làm ngay.
Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh với ngoài tỉnh để hỗ trợ, tương tác với nhau; thực hiện việc “đặt hàng” đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; tính toán đến việc phân luồng học sinh lớp 9, lớp 12 chuyển sang học nghề; nhanh chóng tiếp cận nguồn lao động khá lớn từ lực lượng công an, quân đội xuất ngũ trở về (hằng năm số lượng này lên đến hơn 3.000 người).