Hoàn thiện thể chế bảo đảm hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ

NDO - Thời gian qua, khung pháp lý về hoạt động đầu tư, đấu thầu của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kích thích sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong hoàn thiện thể chế trong việc bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” cho các bên.
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ thông qua nhiều quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế. (Ảnh: DUY LINH)
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ thông qua nhiều quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế. (Ảnh: DUY LINH)

Cần khung pháp lý rõ ràng phân bổ tỷ lệ rủi ro

Cùng với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu năm 2023, sửa đổi năm 2024 (gọi tắt là Luật Đấu thầu năm 2023) đã thể hiện nguyên tắc lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro của nhà nước đối với doanh nghiệp khi có biến động về chính sách, pháp luật, thị trường. Tuy nhiên, cơ chế thực thi và chế tài đối với các trường hợp này vẫn còn bỏ ngỏ, cơ chế rủi ro chia sẻ chưa rõ ràng.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (trước đây), việc chậm giải phóng mặt bằng, thiếu bãi đổ thải, thiếu nguồn vật liệu xây dựng tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, một số dự án tiến độ bàn giao mặt bằng đạt trên dưới 40% dẫn đến các gói thầu bị chậm tiến độ nhưng nhà thầu không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do chưa có cơ chế pháp lý ràng buộc cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Yến, giảng viên khoa Luật Kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay, trong pháp luật đấu thầu, nguyên tắc “hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro” như là sự “ngầm hiểu” giữa các bên liên quan, mà chưa có quy định rõ ràng dẫn đến việc thực thi không hiệu quả.

Theo bà Yến, bên cạnh việc bảo đảm tính minh bạch trong đấu thầu, cơ quan nhà nước cũng cần xây dựng và ban hành khung pháp lý rõ ràng về việc phân bổ rủi ro trong quan hệ đấu thầu giữa chủ đầu tư, nhà nước và các bên liên quan; trong đó xác định phần trách nhiệm đối với các rủi ro có thể xảy ra, dự liệu các phương án xử lý, chia sẻ và phân bổ rủi ro đó.

Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi) quy định áp dụng luật này đối với “Hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh gồm: Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Tuy nhiên, thế nào là dự án có sử dụng đất và dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu, tiêu chí nào để xác định các loại dự án này không được xác định rõ ngay cả trong Luật Đất đai. Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất chỉ trao quyền cho hội đồng nhân dân tỉnh lập danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc diện xin phê duyệt chủ trương đầu tư và thuộc diện không xin phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dự án “có sử dụng đất” nên được hiểu như thế nào theo cả Luật Đất đai 2024 và Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi) là câu hỏi chưa tìm được câu trả lời chuẩn xác.

“Sự thiếu mức độ minh bạch trong khái niệm pháp lý “Dự án đầu tư có sử dụng đất” khó làm an lòng nhà đầu tư, nhà thầu vì chứa đựng rủi ro. Chỉ cần một áp dụng không chính xác của hội đồng nhân dân tỉnh và việc áp dụng của Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ làm thay đổi số phận của dự án mà các nhà đầu tư đang triển khai vì lý do gắn với đất đai”, Giáo sư, Tiến sĩ Hạnh nói.

Cơ chế luồng xanh cần chính sách kiểm soát đặc hiệu

Các chuyên gia đánh giá, việc thực hiện nhiều thủ tục hành chính có thể bảo đảm công tác quản lý nhà nước an toàn hơn với nhiều tầng nấc, khâu trung gian kiểm tra, giám sát nhưng cũng “bào mòn” tiềm lực của nhà đầu tư. Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất có khoảng trên dưới 40 thủ tục, được thực hiện trong khoảng hơn 310 ngày; ngoài ra, trường hợp có hai nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài thì tăng thêm 30 ngày.

Để thể chế hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, một trong những vấn đề khá quan trọng là cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục liên quan hoạt động kinh doanh nhằm giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh.

Luật Đầu tư năm 2020, sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024/QH15 đã đưa ra quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; chế tạo linh kiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế… Cơ chế “luồng xanh” này cho phép nhà đầu tư miễn trừ một số thủ tục hành chính đối với dự án đáp ứng các điều kiện cụ thể với thời gian cấp phép ngắn.

Trọng tâm của thủ tục đầu tư đặc biệt chính là sự chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư vì về bản chất, việc trao quyền cho nhà đầu tư tự triển khai, tự chịu trách nhiệm làm tăng rủi ro tuân thủ, làm giảm mức độ phòng ngừa trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, vì yếu tố chia sẻ rủi ro hai bên nên rất cần có cơ chế kiểm soát đặc hiệu phù hợp, nhất là khâu lựa chọn dự án đầu tư được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt. Hiện Luật số 57 chỉ đưa ra yêu cầu chung về lĩnh vực, địa điểm của dự án, và trao quyền quyết định cho ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong việc đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, để từ đó xem xét phê duyệt hồ sơ đăng ký của nhà đầu tư chứ không có các tiêu chí, điều kiện cụ thể.

Theo Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú, quy định này tạo sự linh hoạt cho địa phương, nhưng có thể làm phát sinh những tiêu chuẩn phụ không rõ ràng, công khai, hay áp dụng không thống nhất.

Việc lựa chọn dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt nếu không được địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và nhất quán không những khó đạt được mục tiêu quan trọng của chính sách mà thậm chí dẫn đến khả năng tùy tiện trong tổ chức thực hiện hay phát sinh “cơ chế xin-cho”, lạm dụng chính sách, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, tham nhũng, tiêu cực.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú cho rằng, để chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện kịp thời, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Do nhà đầu tư được miễn một số thủ tục hành chính có liên quan nên công tác hậu kiểm càng phải được thực hiện chặt chẽ để tránh buông lỏng quản lý, phòng ngừa rủi ro phát sinh; cần quyết liệt chuyển trọng tâm từ giải quyết hậu quả, xử lý vi phạm sang phát hiện, ngăn ngừa rủi ro; xây dựng cơ chế cảnh báo rủi ro tuân thủ và khuyến nghị nhà đầu tư từ sớm.