Liên tiếp xảy ra cháy rừng kể từ đầu năm
Vào hồi 15 giờ 45 phút ngày 13/5, trên địa bàn thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xảy ra cháy rừng phòng hộ do Ủy ban nhân dân xã Minh Phú và Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội quản lý. Đám cháy nhanh chóng lan rộng ra các khu vực lân cận.
Khoảng 16 giờ, nhận được tin báo từ Trung tâm Thông tin Chỉ huy Công an thành phố Hà Nội, Tổ địa bàn Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Sóc Sơn xuất 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để chữa cháy.
![]() |
Lực lượng chức năng có mặt kịp thời dập tắt cháy rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội). |
Ngay khi có mặt tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã triển khai quạt thổi, cào, câu liêm để tạo vành đai ngăn cháy; phối hợp các lực lượng thuộc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, Ủy ban nhân dân xã Minh Phú, Hạt kiểm lâm… nỗ lực duy trì hoạt động chữa cháy.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Theo thống kê ban đầu, thiệt hại ước tính khoảng 8.700m² (0,87ha) rừng bị cháy. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng ngừa và ứng phó kịp thời.

Nắng nóng trên phạm vi cả nước, cảnh báo nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy rừng. Nhiều vụ trong số đó để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, vụ cháy cuối tháng 3 vừa qua tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã thiêu rụi hơn 20ha rừng, làm 1 người tử vong.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Ngoài những yếu tố về thời tiết thì đốt rừng để làm nương rẫy ở miền núi, đốt quang thực bì để thu nhặt kim loại, hun khói để lấy mật ong rừng, vứt tàn thuốc bừa bãi, đốt lửa cắm trại, đều là những hành động có thể gây ra cháy rừng”.
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính từ đầu năm 2025 đến tháng 4/2025, cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150ha, tăng hơn 2 lần về số vụ; diện tích rừng bị thiệt hại gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái.
Cần tăng cường các giải pháp ngăn chặn nguy cơ cháy rừng
Nếu để cháy rừng xảy ra, cái mất không chỉ là cây gỗ, tre nứa hay dược liệu, mà còn hủy hoại lớp phủ bảo vệ đất, làm suy giảm chất lượng nước và tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, sâu xa hơn là ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái. Ngoài ra, khói từ cháy rừng làm suy giảm chất lượng không khí, là nguồn gây ô nhiễm không khí cục bộ, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Chỉ tính riêng địa bàn huyện Sóc Sơn có 4557ha rừng đặc dụng với đặc điểm người dân sinh sống, canh tác, kinh doanh dịch vụ trong khu vực rừng.
Lãnh đạo Tổ địa bàn Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Sóc Sơn cho biết, hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn gặp phải nhiều khó khăn như thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng kéo dài, hanh khô làm tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt vào mùa khô. Bên cạnh đó, nhiều khu rừng nằm ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở, khó tiếp cận, lớp thực bì dầy gây khó khăn cho việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra hạn chế về lực lượng và phương tiện chữa cháy cũng là trở ngại cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu vực có rừng. Lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm. Lực lượng tại chỗ (như dân quân, người dân) chưa được đào tạo bài bản. Các phương tiện chữa cháy hiện đại như máy bơm cao áp, máy bay chữa cháy, thiết bị phát hiện cháy từ xa (drones, vệ tinh…) còn thiếu.
![]() |
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn. |
Hiện tại, chưa có các thiết bị cảnh báo, báo cháy cháy sớm, phương tiện chữa cháy rừng chủ yếu là máy thổi, cành cây… Đặc biệt, người dân còn tập quán sử dụng lửa trong rừng và ven rừng (cắm trại, camping, đốt rác, đốt nương rẫy …) mà không có biện pháp an toàn, là nguyên nhân chủ yếu gây cháy rừng.
Trong thời gian qua, Tổ địa bàn Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Sóc Sơn đã tham mưu cho chính quyền địa phương phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt trong những ngày có dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên. Phối hợp chặt chẽ lực lượng kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tăng cường tuần tra tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao: các xã có rừng được chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ứng dụng công nghệ trong giám sát: sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam) để xác định sự thay đổi rừng và lắp đặt trạm giám sát cháy rừng tự động nhằm phát hiện sớm các nguy cơ cháy. Thành lập các đội xung kích chữa cháy rừng…
Tuy nhiên, thực tế, nhiều khu vực rừng trên cả nước có đặc điểm là người dân sinh sống, canh tác, kinh doanh dịch vụ trong khu vực rừng nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Do đó, ý thức và sự phối hợp của người dân đóng vai trò quan trọng để bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo: “công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cần được quán triệt đến từng người dân, từng hộ gia đình sinh sống ven rừng. Mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng lửa nơi rừng và ven rừng: không đốt rác, đốt ong, nấu nướng hay hút thuốc trong rừng; không vứt tàn lửa, tàn thuốc bừa bãi; đồng thời chủ động thông báo ngay cho chính quyền hoặc lực lượng chức năng khi phát hiện có cháy rừng hoặc nguy cơ cháy rừng”.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân; tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra rừng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.