Thái Bình: Cưỡng chế 14 cá nhân vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại cồn Vành

NDO - Lực lượng chức năng đã cưỡng chế vi phạm của 14 cá nhân trên diện tích hơn 60ha tại ô đầm ven biển thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Tiền Hải triển khai 4 tổ công tác thực hiện việc cưỡng chế theo quy định hiện hành.
Huyện Tiền Hải triển khai 4 tổ công tác thực hiện việc cưỡng chế theo quy định hiện hành.

Cho đến trưa ngày 13/5, lực lượng chức năng tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã thực hiện xong biện pháp cưỡng chế vi phạm trên diện tích hơn 60ha của các cá nhân tại ô đầm ven biển thuộc xã Nam Phú.

Đây là vi phạm kéo dài, với tính chất nghiêm trọng xảy ra nhiều năm qua tại khu vực cồn Vành, xã Nam Phú làm ảnh hưởng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai cưỡng chế là biện pháp cuối cùng của chính quyền địa phương sau khi đã dày công vận động, tuyên truyền, tổ chức đối thoại nhiều lần với các cá nhân đang hoạt động sản xuất vi phạm các quy định hiện hành.

Thái Bình: Cưỡng chế 14 cá nhân vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại cồn Vành ảnh 1

Trước khi cưỡng chế, nhiều cá nhân đã tự nguyện di dời tài sản ra khỏi hiện trường.

Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cung cấp cho Báo Nhân Dân: Theo bản đồ đo đạc các năm 2011, năm 2014 và trích đo địa chính năm 2023 xác định khu đất 701.292,3m2 là đất nuôi trồng thủy sản do Ủy ban nhân dân xã Nam Phú (cho ông Trần Văn Thuyết và ông Đinh Văn Phương thuê 70.925m2 và cho ông Phạm Hoài Nam và ông Đinh Quang Nghi (ông Nghi chết ngày 15/7/2020) thuê thầu đầm 630.367,9m2) để nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar từ năm 1991.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Trần Văn Thuyết và ông Đinh Văn Phương, ông Phạm Hoài Nam, ông Đinh Quang Nghi và những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Thái Bình: Cưỡng chế 14 cá nhân vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại cồn Vành ảnh 2

Lãnh đạo huyện Tiền Hải có mặt tại hiện trường cưỡng chế.

Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, không thực hiện theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt mà chỉ quai đắp để nuôi thủy hải sản; không trực tiếp sử dụng diện tích ô đầm để thực hiện theo mô hình Ramsar mà tự ý cho cho 7 cá nhân khác thuê đầm để nuôi trồng thủy sản, gồm: ông Nguyễn Xuân Liên sử dụng 118.078,4m2, ông Vũ Văn Hoàn sử dụng 119.357,6m2, ông Trần Anh Tuấn sử dụng 94.086,3m2, ông Phạm Văn Tâm sử dụng 96.058,9m2, ông Đinh Văn Bùi sử dụng 49.396,2m2, ông Lê Văn Trữ sử dụng 49.460,5m2, ông Phạm Văn Pháp sử dụng 103.403,4m2.

Ông Phạm Văn Kế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cho biết: “Đây chỉ là hợp đồng giao khoán công việc, cụ thể chỉ được nuôi tôm giống, tuy nhiên các cá nhân không làm theo cam kết mà cho thuê lại. Như vậy, đây là vi phạm nghiêm trọng trong hợp đồng. Mấy chục năm trời sử dụng đất của Nhà nước, lại không được giao đất nhưng vẫn cho thuê là trái thẩm quyền, trái quy định”.

Các cá nhân cố tình chống đối, gửi đơn thư đến nhiều cơ quan ở địa phương cũng như Trung ương. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã đối thoại, trả lời rõ bằng văn bản trên tinh thần thượng tôn pháp luật, công khai, dân chủ, có lý có tình.

Thái Bình: Cưỡng chế 14 cá nhân vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại cồn Vành ảnh 4

Phương tiện máy móc thực hiện phá dỡ cống thuyền tiêu thoát nước vào ra khu vực ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, các cá nhân nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Nam Phú tiếp tục phớt lờ và đòi hỏi phải đền bù kinh phí đã đầu tư tại các ô đầm nuôi trồng thủy hải sản trong các năm qua.

Chính quyền huyện Tiền Hải đã giải thích, phân tích rõ: Đây không phải là việc thu hồi giải phóng mặt bằng, mà là xử lý vi phạm trong việc không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với Ủy ban nhân dân xã Nam Phú.

Thái Bình: Cưỡng chế 14 cá nhân vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại cồn Vành ảnh 5

Lều lán trông coi ao đầm nuôi trồng thủy sản ở cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải đã được phá dỡ theo quy định.

Hơn nữa trước đây chính quyền sở tại không giao đất cho các cá nhân, chỉ là hợp đồng thuê mặt bằng để sản xuất, vì vậy không có căn cứ pháp lý để đòi hỏi phải hỗ trợ, bồi thường.

Việc cưỡng chế là biện pháp cuối cùng nhằm giữ gìn kỷ cương pháp luật, lập lại trật tự tại khu vực cồn Vành, thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.