Sáng 23-7, giá vàng thế giới trên sàn kitco.com giao dịch ở mức 1.872,40 - 1.873,40 USD/ounce, mức cao nhất gần chín năm (mức kỷ lục xác lập năm 2011 là 1.920,7 USD/ounce), nhưng các chuyên gia nhận định, giá vàng còn cơ hội tăng trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia cấp cao lĩnh vực vàng lý giải, sở dĩ giá vàng tăng cao gần đây là do tác động của dịch bệnh lan rộng, ảnh hưởng làm kinh tế toàn cầu suy giảm. Ngân hàng trung ương (NHT.Ư) các nước liên tục đưa ra các gói kích cầu. Covid-19 khiến các chính phủ phải tung các gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Mới đây nhất, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa trị giá 750 tỷ euro, sau bốn ngày đàm phán. Tại Mỹ, khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt trong làn sóng thứ 2, các nghị sĩ nước này cũng đang phác thảo một gói kích thích mới trong chưa đầy hai tuần, trước khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người nước này hết hạn. Trước đó, Mỹ đã công bố gói kích thích hàng nghìn tỷ USD và nhiều lần hạ lãi suất khẩn cấp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 20%, ngang bằng mức tăng của cả năm 2019. Còn nếu so cùng kỳ, giá vàng đã tăng đến 30%. Giá vàng tiếp tục xu hướng đi lên trong thời gian qua.
Trong nước, giá vàng SJC sáng 23-7 niêm yết ở mức 52,3 - 53,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng ngày 24-7 đã giảm nhẹ chủ yếu do nhiều nhà đầu tư (NĐT) thực hiện giao dịch chốt lời sau khi giá kim loại quý bật lên mức cao kỷ lục. Giá vàng trong nước được SJC Hà Nội niêm yết ở mức 54,170 - 55,350 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giữa chiều mua và bán lên đến 1,18 triệu đồng/lượng. Tương tự, tại SJC TP Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 54,170 - 55,350 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)…
Trên thị trường thế giới, tính đến đầu giờ sáng ngày 24-7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.887,56 USD/Ounce. So với cùng thời điểm ngày 23-7, giá vàng thế giới giao ngay đã tăng tới 18 USD/ounce.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, ở vào thời điểm hiện tại, vàng là một lựa chọn hàng đầu nhờ độ an toàn cao và dòng tiền dư thừa lớn chảy không ngừng vào mặt hàng kim loại quý. Giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.800 USD/ounce, nhưng dịch Covid-19 chưa giảm thì giá vàng chưa hết “sóng” trong thời gian tới. Giá vàng được dự báo sẽ chạm mốc lịch sử của năm 2011 hơn 1.900 USD/ounce và thậm chí cao hơn nữa là 2.000 USD/ounce.
Theo ông Trần Thanh Hải, chuyên gia lĩnh vực vàng, lâu nay nhiều người xem vàng là một đồng tiền quốc tế vì thanh khoản luôn cao. Đồng thời, vàng chính là tài sản giúp chống lại lạm phát và là nơi trú ẩn của giới đầu tư trong các giai đoạn căng thẳng. Đáng chú ý, trước diễn biến của dịch Covid-19, NĐT tìm đến hầm trú ẩn vàng nhiều hơn trong thời gian qua và gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, nếu rót vốn vào vàng đã kiếm được mức lợi nhuận 20%.
Sức hấp dẫn sự biến động về giá của vàng khiến nhiều NĐT đứng ngồi không yên, nên chuyển hướng vào kênh này để kiếm lợi nhuận. Trong đó, một số NĐT nhỏ, lẻ đã rút tiết kiệm khi lãi suất trong xu hướng đi xuống để mua vàng. Tuy nhiên, các NĐT, đầu cơ muốn rót vốn vào vàng cũng không thể giao dịch qua tài khoản, mà phải tìm mua vàng vật chất... Trong khi, vàng liên tục biến động ở biên độ rộng gần đây, nên nếu không theo sát và nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới, NĐT trong nước chưa hẳn thành công.
Ông Huỳnh Trung Khánh cảnh báo, để có thể thành công trong đầu tư và kinh doanh vàng, nhất là ở những thời điểm vàng biến động tăng cao như hiện nay, các NĐT trong nước cần phải nắm được diễn biến về kinh tế thế giới nói chung, thị trường vàng quốc tế nói riêng. Rót vốn vào vàng cũng không chỉ nhắm đến mục tiêu “lướt sóng” để kiếm lời. NĐT trong nước cũng nên tránh tình trạng đổ xô đi mua vàng khi thấy giá tăng quá cao và vội vàng bán ra khi vàng điều chỉnh giá. Nên phân bổ nguồn vốn vào các danh mục đầu tư hợp lý, thay vì dồn hết vào vàng để tránh những rủi ro khi vàng đảo chiều.
Nhận định dưới góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, những ngày gần đây, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, kéo theo giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp mức tăng của giá vàng quốc tế. Trên thị trường trong nước, khi giá vàng miếng SJC trong nước tăng theo giá vàng quốc tế trong chiều 23-7, giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà một số người dân còn có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao.
Ngày 26-7, tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện niêm yết tại mức 53,50 - 55,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại thị trường TP Hồ Chí Minh giá vàng SJC niêm yết ở mức 53,50 - 55,00 triệu đồng/lượng.