Chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử theo đơn đặt hàng, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết, dù Mỹ đã thông báo tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày, nhưng nguy cơ vẫn treo lơ lửng. Vì vậy, nhiều đối tác nước ngoài đã có thông báo giảm sản xuất và có yêu cầu tạm dừng nhận đơn hàng do chưa có nhu cầu sử dụng.
“Bệ đỡ” quan trọng
Đáng quan ngại, số lượng đối tác tạm dừng đơn hàng đang dần tăng lên, trung bình từ 3- 5%/tuần. Nghĩa là cứ 100 khách hàng mà doanh nghiệp đang có, thì mỗi tuần có thêm 3-5 khách hàng thông báo về việc tạm dừng nhận đơn hàng. Từ nay đến hết 90 ngày mà Tổng thống Mỹ gia hạn, theo ông Dương, nếu không có sự điều chỉnh về mức thuế quan này sớm thì các doanh nghiệp phía đầu cuối sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ hơn.
Trong thời gian chờ đợi những chính sách thuế mới và bù đắp phần thiếu hụt từ xuất khẩu, doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. “Theo quy định, từ ngày 1/7/2025, tất cả các hộ kinh doanh phải xuất hóa đơn điện tử. Theo đó, nhu cầu thiết bị máy tính sẽ tăng. Đây cũng là cơ hội tăng doanh thu cho chúng tôi”.
Tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, với hơn 100 triệu người tiêu dùng, thị trường trong nước luôn đóng vai trò là trụ cột chiến lược cho tăng trưởng và ổn định kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, trong những giai đoạn khó khăn, như đại dịch Covid-19 hay các biến động thương mại quốc tế, thị trường nội địa đã chứng minh vai trò là “bệ đỡ” quan trọng, duy trì hoạt động sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng khi xuất khẩu gặp trở ngại.
Chính vì vậy, thời gian qua, để kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công thương đã thực hiện Chiến dịch truyền thông quốc gia nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam. Về xúc tiến thương mại, nhiều sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ được tổ chức...
Bên cạnh đó, thúc đẩy du lịch nội địa thông qua phối hợp với ngành du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Thời điểm vàng để kích cầu
Trong Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành và lĩnh vực, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 12%. Đây là con số rất thách thức.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, áp lực cạnh tranh hiện nay rất lớn do nguy cơ chuyển hướng thương mại - hàng hóa từ các nước láng giềng, như Trung Quốc, khi không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ xâm nhập các nước khác, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ, nên sức ép cạnh tranh sân nhà càng khốc liệt.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng được thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối vững chắc. Tuy nhiên, đây là điều không dễ. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc phát triển chuỗi phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này vẫn chưa thật sự mạnh mẽ và đồng bộ”.
Còn theo ông Trần Anh Thắng, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), thuế của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc khiến giá hàng nhập khẩu từ quốc gia này có thể tăng. Nhiều nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu được dùng trong sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam khiến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến giá bán lẻ nội địa. Điều này dẫn tới tâm lý lo ngại lạm phát quay lại, giá hàng hóa chưa tăng hôm nay nhưng sẽ tăng trong vài tháng tới khiến người dân dè chừng chi tiêu.
Ở mặt tích cực, thuế quan của Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Vì vậy, ông Thắng đề xuất phối hợp với doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử để triển khai các sản phẩm vay nhỏ, linh hoạt, không cần tài sản bảo đảm, nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu thiết thực như mua sắm đồ gia dụng, thanh toán học phí, du lịch nội địa, chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, cần mở rộng tín dụng tiêu dùng xanh và tiêu dùng số, cụ thể như các gói vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, sản phẩm tiêu dùng bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua các kênh đối tác như mô hình "mua trước trả sau", Công ty fintech và các nền tảng thương mại điện tử, nhằm tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng trẻ và thúc đẩy quá trình số hóa...
Cùng với tín dụng, thuế cũng là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề xuất lùi thời gian áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia, theo phương án tăng từ 5% năm 2027, năm sau thêm 5%, tránh gây cú sốc về thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thuế với hộ kinh doanh cá nhân nên giảm hoặc miễn, hoặc để mức rất thấp. Còn những hộ kinh doanh có doanh thu lớn thì áp dụng như doanh nghiệp để khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và có chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về thuế giá trị gia tăng (VAT), đề xuất giảm 2% cho 6 tháng cuối năm áp dụng cho tất cả các nhóm đang chịu thuế 10%, là đầu vào của tất cả các ngành nghề nên giảm đồng đều.
“Ban soạn thảo có thể cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Cúc nhấn mạnh.
Theo Cục Thống kê, tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 1.708.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ của năm 2024.