Sửa đổi luật cho báo chí hiện đại

Trong bối cảnh chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa nền tảng và yêu cầu thực tiễn từ đời sống báo chí - truyền thông, việc sửa đổi Luật Báo chí trở thành một đòi hỏi cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này là một bước đi quan trọng nhằm hiện đại hóa hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng, đúng tôn chỉ mục đích và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời đại.

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với tiêu chí hiện đại đã bớt được hơn 10.000 từ, tức hơn một nửa độ dài so với Luật Báo chí 2016 đang hiệu lực thi hành. Các quy định cụ thể, chi tiết sẽ do Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện dưới dạng nghị định, thông tư sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

Một số điểm tiến bộ trong Dự thảo luật lần này được thể hiện khá mạnh mẽ, rõ ràng ngay từ phần giải thích từ ngữ, chẳng hạn định hình lại các tạp chí chỉ được phát triển trong không gian chuyên ngành và theo định kỳ, chứ không được tùy tiện “báo hóa” tạp chí, hay các trang thông tin tổng hợp chỉ được phép đăng tải những thông tin đã đăng, phát trên các phương tiện thông tin chính thống và tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, chứ không được ẩn danh, núp bóng và thực hiện đồng thời sản xuất sản phẩm, dịch vụ báo chí “chui” như trước.

Phần giải thích từ ngữ cũng đề cập hai mô hình báo chí mới, gồm: Tổ hợp báo chí truyền thông là mô hình có nhiều loại hình báo chí, có cơ quan báo chí trực thuộc, doanh nghiệp trực thuộc; và cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện là tổ hợp báo chí truyền thông hoạt động nhiều loại hình, nhiều dịch vụ, có vai trò nòng cốt định hướng dư luận xã hội, được có cơ chế hoạt động đặc thù. Đây là hai mô hình kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới vào hoạt động kinh tế báo chí vốn đang bối rối với nhiều điểm nghẽn và hạn chế nhất định.

Dự thảo cũng đề xuất đưa vị trí, trách nhiệm của Hội Nhà báo trở về đúng và đầy đủ với tính chất của một hội nghề nghiệp, chuyên trách chăm lo về vấn đề đạo đức, nghiệp vụ nghề báo. Đây cũng là điểm nhấn mạnh làm thay đổi cơ bản “thiên chức” và hoạt động của Hội trong thời gian tới.

Và một điểm rất quan trọng khi Dự thảo nhấn mạnh một nhiệm vụ “mới” của cơ quan chủ quản báo chí, đó là: “Bảo đảm điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính để cơ quan báo chí hoạt động đúng quy định trong giấy phép hoạt động báo chí”. Cái này khác với: “Bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu và điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí” như quy định tại Luật Báo chí 2016. Có lẽ, chỉ cần một thay đổi “chắc nịch” này thôi là cơ quan báo chí đã yên tâm hoạt động, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, bởi đâu phải cơ quan báo chí nào cũng được, cũng muốn và cũng có thể trở thành những tổ hợp báo chí truyền thông hay cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện.

Đối với Nhà báo, Dự thảo lần này có “ưu ái” hơn Luật hiện hành khi mặc định toàn bộ quyền, nghĩa vụ của Nhà báo trong Luật Báo chí, trong khi phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo được giao cho Chính phủ quy định về quyền, nghĩa vụ và hoạt động trong văn bản dưới luật. Đây là một nội dung “luật hóa” đánh dấu vị thế xứng đáng được thừa nhận và nên có phân biệt rõ ràng của Nhà báo. Điều này về sau sẽ vĩnh viễn không nhầm lẫn với các vị thế khác.

Điểm qua một vài dấu ấn, có thể thấy Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này đã mang lại nhiều đổi thay căn bản, từ những vấn đề về nhận thức, đến trách nhiệm, vị thế, đồng thời mở hướng cho những bước phát triển mới, thực chất, đi vào chiều sâu của nền báo chí cách mạng.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của báo chí, Dự thảo cần cụ thể hơn ở một số chi tiết thay đổi mang tính bản chất. Thí dụ, khi quy định về quyền hoạt động nghiệp vụ của Nhà báo, cũng cần có ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong trường hợp không cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc phạm vi được phép từ chối cung cấp, thì trong thời hạn nhất định phải có văn bản trả lời rõ lý do. Đây sẽ là quy định có tính “chế tài mềm” cần thiết, vừa để làm rõ quyền của Nhà báo, vừa để làm rõ trách nhiệm có ràng buộc của các cơ quan, tổ chức liên quan hoạt động báo chí.

Ở góc độ khác, đối với vị trí lãnh đạo cơ quan báo chí, đặc biệt là các mô hình tổ hợp báo chí truyền thông hay cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, nên chăng bố trí tách bạch hai nhiệm vụ: Một nhiệm vụ chuyên trách chủ quản và một nhiệm vụ chuyên trách nội dung. Việc tổ chức phân quyền lãnh đạo kiểu này có thể mang lại nhiều lợi thế bổ trợ trong quản lý, điều hành hoạt động báo chí kết hợp kinh tế báo chí vốn có xen kẽ yếu tố đặc thù nghề nghiệp. Điểm này cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức thường thấy ở các mô hình doanh nghiệp -nghề nghiệp.

Báo chí đang vận động không ngừng, vì thế mọi thay đổi hợp lý trong lập pháp đều cần được xem xét nghiêm túc. Hy vọng tinh thần của Dự thảo Luật Báo chí cũng sẽ chuyển động theo hướng đó.