Ông Tấn mở quán khi chưa kịp hoàn tất giấy phép đăng ký. Đó là một vi phạm hành chính điển hình nhưng lại bị xử lý bằng hình sự. Vụ việc gây bàng hoàng dư luận, không chỉ vì sự bất hợp lý trong áp dụng pháp luật, mà còn vì nó đánh trúng vào một lớp người đang ngày ngày gồng gánh sinh kế: Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Vụ cà-phê Xin Chào kết thúc bằng quyết định đình chỉ vụ án. Nhưng kết thúc pháp lý không xóa đi câu hỏi xã hội: Ai bảo vệ những người làm ăn nhỏ? Ai nâng đỡ họ vượt khỏi vùng rủi ro mà chính sách chưa kịp chạm đến?
Ở Việt Nam, hộ kinh doanh cá thể chiếm gần 5 triệu đơn vị, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động. Họ là gánh hàng rong, là xưởng sửa xe đầu hẻm, là quán cà-phê buổi sớm… Họ không có pháp chế bài bản, không sở hữu công nghệ lõi, nhưng là nhịp thở mềm mại của nền kinh tế thực. Vậy mà họ lại dễ tổn thương hơn chỉ vì chính sách thường được viết cho doanh nghiệp, luật thường được thi hành bởi các quy chuẩn của thị trường lớn.
Khi Nghị quyết 68-NQ/TW tuyên bố “phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự”, đó là một bước đi cần thiết. Nhưng nếu không đi kèm cơ chế nâng đỡ hộ kinh doanh ra khỏi vùng “hợp thức hóa lưng chừng”, thì lời cam kết ấy vẫn đứng ngoài đời sống.
Hộ kinh doanh không cần được nuông chiều, nhưng họ cần được nhìn thấy như một phần thực thụ của nền kinh tế. Cần có cơ chế tư vấn pháp lý sớm, thủ tục đơn giản, bảo hộ quyền lợi và bảo đảm rằng một sơ suất không biến thành một án hình sự. Kinh doanh, dẫu ở quy mô nào, cũng cần môi trường yên ổn để lớn lên. Luật pháp, nếu được hiểu và hành xử đúng, có thể là mái che cho những người làm thật, kể cả khi họ chỉ bắt đầu từ một quán cà-phê nhỏ trước cửa cơ quan công quyền.