Chuyên đời-Chuyện nghề

Nhà thơ Thuận Hữu: Lặng thầm nhặt dọc đường thơ

Khi còn giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân , nhà thơ Thuận Hữu ít khi nhắc đến thơ ca như một phần chính thức trong con người ông. Ông làm thơ - khá nhiều người biết - nhưng ông hiếm khi tự nhận mình là “nhà thơ”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Thuận Hữu chia sẻ về tuyển thơ Nhặt dọc đường. Ảnh | THỦY NGUYÊN
Nhà thơ Thuận Hữu chia sẻ về tuyển thơ Nhặt dọc đường. Ảnh | THỦY NGUYÊN

Có lẽ bởi vì ông chọn ẩn đi chất thi sĩ ấy dưới vẻ ngoài cương nghị của một người làm chính trị, người quản lý báo chí, người chèo lái một tờ báo lớn của Đảng. Những ai từng làm việc cùng ông, nhất là trong những giai đoạn chuyển mình quan trọng của báo chí chính luận, đều hiểu: chỉ một tâm hồn nghệ sĩ, một trái tim thơ ca mới có thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ trong đời sống văn hóa nghệ thuật của tờ báo Đảng, để lại nhiều dấu ấn khá sâu đậm như vậy.

Tôi từng được ông điều động về phụ trách tờ Nhân Dân hằng tháng trong giai đoạn tờ báo cần một luồng sinh khí mới. Và bằng chính sự tin tưởng và chỉ đạo sát sao của một người làm chính trị nhưng có tâm hồn thi sĩ, trong hai nhiệm kỳ đương nhiệm ông đã tạo cơ hội cho tờ ấn phẩm của báo Đảng mở ra một thời kỳ sôi động, đổi mới: trở thành diễn đàn văn chương - nghệ thuật đúng nghĩa, nơi quy tụ đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ, học giả, nhà báo tên tuổi. Đó là thời kỳ mà tờ báo Đảng trở thành một không gian cởi mở, đa thanh, đa tầng, với những tiếng nói phản biện mang tinh thần xây dựng và trách nhiệm. Được thế, chắc chắn bởi trong ông có phần lặng lẽ của một người làm thơ. Chính điều đó khiến ông chịu khó lắng nghe, quyết đoán trao cơ hội và đặt niềm tin vào những người viết đến từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Vì thế, khi tập tuyển thơ mới của ông ra mắt - một cuốn sách tập hợp những bài thơ từ thuở còn trẻ đến khi về hưu - tôi đọc nó không chỉ như một người yêu thơ, mà còn như một người từng sống, làm việc và chứng kiến quá trình “ẩn - hiện” của một tâm hồn thi sĩ trong lớp áo người làm chính trị.

Trong lời mở sách đầy thấu cảm có tên “Trong những tiếng ngân vang cuộc đời”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dẫn một nhận định thú vị: “Không ai nghe thấy tiếng âm ỉ của những bông hoa trước khi nó bật ra khỏi cành”. Với tôi, đó không chỉ là một hình ảnh đẹp, mà là chân dung tinh thần của nhà thơ Thuận Hữu: ông viết âm thầm, không ồn ào, không phô diễn. Nhưng khi thơ ông cất lên, nó khiến người đọc lặng dừng lại, lắng nghe - và suy ngẫm.

Những bài thơ như “Làng tôi”, “Quê ơi”, “Dòng mương xanh”... đều mang những rung động sâu lắng - giản dị mà thấm thía. Ở đó, người đọc thấy một Thuận Hữu rất khác với hình ảnh quen thuộc trên các diễn đàn chính trị: một người con của vùng quê, mang trong mình tình yêu với đất, với người, với mẹ, với quê hương - một thứ tình yêu mộc mạc nhưng day dứt:

“Tôi là con của một vùng đồiNhưng cũng là con của biểnTình đất nước quyện vào máu thịtTôi lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương...”.

Không chỉ viết về nơi chôn nhau cắt rốn, thơ ông còn chạm đến những lát cắt âm thầm của tình bạn, của ký ức chiến tranh (“Tôi đến đây chỉ cần có bạn thôi...”), của nỗi nhớ lặng lẽ về cha mẹ - những người thầm lặng không có mặt trong các bản báo cáo thành tích nhưng lại là gốc rễ của bao nhiêu bài thơ. Trong số đó, “Gửi mẹ” là một bài thơ khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào:

“Manh áo sờn vai đêm dài quạnh quẽBưng bát cơm ăn nước mắt mẹ lưng tròngCon đi rồi không nỡ mặc nỡ ănNgày giỗ mong con, ngày Tết ngồi bậc cửa...”.

Hoặc trong bài “Hoa biển dâng người” ông viết về nỗi đau mất người cha được diễn tả bằng trạng thái bàng hoàng, trống rỗng, cảm xúc thấm vào từng câu chữ, nhẫn nại mà day dứt:

“Con tha thẩn thả hồn về biểnNước mắt rơi trên bình thản những con thuyền...”.

Đọc những câu thơ như thế, ta thấy ông không cố tạo cảm xúc - mà để cảm xúc tự đến. Bởi thơ ông không được “làm ra” mà là để nó “sống lại”. Chính ở chỗ đó, thơ ông mang một thứ sự thật âm thầm, không cần minh họa, không cần tô màu.

Biển - nơi ông sinh ra và lớn lên - hiện diện trong nhiều trang thơ như một phần máu thịt, không chỉ là bối cảnh, mà còn là nơi lưu giữ những day dứt nội tâm. Ở mảng thơ viết về biển, ông thường không lạm dụng hình ảnh lãng mạn mà để biển hiện ra như một phần cội rễ của đời sống - dữ dội mà tha thiết. “Biển bao la vì biển chứa muôn trời” không phải là một tuyên ngôn, mà là sự tự nhận biết sâu xa về bản thể:

“Nếu trong anh thiếu biển chỉ một ngàyThì anh không phải là anh nữa”.

Biển ở đây không chỉ là không gian địa lý, mà còn là không gian tinh thần - nơi tiếng gọi từ thuở bé làm thủy thủ vẫn âm vang trong từng câu chữ. Trong bài “Tản mạn trước biển” ông viết về đời sống của người dân chài không bằng vẻ ca ngợi, mà bằng sự biết ơn thầm lặng:

“Ta biết ơn suốt đời những tấm áo nâuTấm áo thấm muối mồ hôi, muối biển”.

Biển trong thơ ông cũng đầy chất triết luận - một bài học lặng thầm về sự khiêm nhường, về lòng tin và sức mạnh nội tại:

“Thiếu niềm tin, biển sẽ hóa hãi hùngNgười sẽ hóa cô đơn và rợn ngợp”.

Không chỉ biển, miền trung - nơi chôn nhau cắt rốn - cũng là một mạch nguồn không dứt trong thơ ông. Không viết về quê nhà như một hoài niệm u buồn hay biểu tượng sơn son, ông để cho miền trung hiện lên bằng những chi tiết thân quen: bụi tre, bờ rào, cây mít, sân đất... - tất cả đều gợi một lớp nghĩa về ký ức, về gốc gác. Trong những bài thơ như “Nỗi nhớ Miền Trung”, “Quê ơi”, quê hương hiện ra mộc mạc, chân thực: “Hạt lúa củ khoai âm thầm nuôi ta lớn”, “Cam bưởi quê ta vẫn góp mặt cho đời”. Đó là miền quê của sự nhẫn nại, của mẹ cha, của những điều không thể nói hết bằng bài báo hay diễn văn. Chính điều đó làm nên chất thơ rất riêng: thơ không cất lên từ xúc cảm bốc đồng, mà từ lớp đất nâu, cát nóng, gió khô đã thấm vào da thịt. Quê nhà trong thơ ông không bi lụy, không cần nước mắt, mà đầy thấu hiểu. Những câu chữ như được nhặt lên từ một miền thương nhớ từng trải - mộc mạc, kín đáo mà sâu thẳm. Vì thế, cái “quê” trong thơ ông vừa gần vừa xa, vừa cụ thể vừa mang sắc màu biểu tượng - như chính con người sống giữa hai bờ lý trí và cảm xúc trong ông.

Nhà thơ Thuận Hữu: Lặng thầm nhặt dọc đường thơ ảnh 1

Tuyển thơ Nhặt dọc đường của nhà thơ Thuận Hữu.

Những năm tháng làm phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng để lại trong ông nhiều kỷ niệm không dễ phai mờ. Chính thời gian sống và làm việc giữa miền trung đầy biến động ấy đã lặng lẽ bồi đắp cho thơ Thuận Hữu một mạch nguồn riêng - bền bỉ, sâu lắng. Trong bài “Về một dòng sông”, dòng Thu Bồn hiện lên không chỉ như một hình ảnh địa lý, mà như dòng chảy ký ức của một thời thanh xuân đầy thương nhớ. Người con gái với tiếng hát ru trên con đò năm nào, cái đêm chiến tranh lẫn vào dòng nước bồng bềnh, nỗi nhớ hóa thành những câu thơ khắc khoải. Một ký ức không ngủ yên, luôn len lỏi, chảy mãi trong tầng sâu nhất của tâm hồn:

“Ta đã bị sông bao vây khắp bốn phía cuộc đờiGiấc ngủ chập chờn có dòng sông chảy giữa”.

Thơ ông cũng không giấu những mối thương thầm. “Thành phố và em”, “Không đề”... đều viết về những cuộc gặp dang dở, những mối tình cũ không trọn vẹn. Nhưng khác với sự sướt mướt dễ rơi vào cảm tính, thơ ông có một vẻ lặng lẽ, tự giễu nhẹ nhàng, không trách ai - chỉ âm thầm giữ lại một miền rung động:

“Em đẹp quá. Chân tôi không nỡ bướcBởi chỉ còn hết dãy phố này thôi”“Vẫn biết thế, nhưng làm sao khác đượcBởi trái tim có ý nghĩ của riêng mình”.

Trong thơ viết về tình yêu, Thuận Hữu không chọn sự ủy mị hay màu mè. Ông viết tình yêu như một phần tự nhiên của đời sống, với tất cả sự thật thà, thậm chí đôi khi khờ dại. Bài “Khi biết yêu” là một lời thú nhận giản dị mà đau đáu: “Khi tôi biết yêu thì em lại không còn.” Và những bài như “Người đi xa”, “Nói nhỏ cùng em”, “Về người yêu cũ” đều để ký ức tự hiện hình qua nỗi nhớ rất thật, rất người:

“Một hơi ấm bàn tay, một cái nhìn lưu luyếnCứ bồi hồi xâm chiếm hồn ta”.

Thơ tình của ông sống bằng những điều người ta không nói thành lời, chỉ nhớ - và mang theo.

Trong “Biển hẹn hò”, đó là không gian của những cảm xúc từng có, của những lần gặp lại muộn màng, của những câu nói bình dị nhưng khiến ta phải khựng lại: “Ước chi mình còn cái tuổi hai mươi”. Câu nói bật ra từ người phụ nữ cũ sau nhiều năm gặp lại khiến cả bài thơ như dừng lại trong khoảnh khắc xao động. Đó là một nét rất Thuận Hữu: làm thơ tình không như sự say mê nhất thời, mà như một cách lưu giữ những dư ba đời sống - đôi khi tiếc nuối, đôi khi tự giễu, nhưng luôn thành thật và lặng lẽ.

Và nổi bật hơn cả - là bài “Những phút xao lòng”. Không cầu kỳ, không ẩn dụ, không triết lý hóa - nhưng bài thơ ấy lại khiến nhiều người phải thở dài đồng cảm. Vì ông dám nói lên cái mong manh rất người - mà không đánh mất sự thành thật:

“Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớAi cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợĐừng có trách chi những phút xao lòng!”.

Tuyển thơ lần này - dù chỉ là những trang giấy nhẹ tênh - nhưng lại mang sức nặng của một cuộc đời: cuộc đời của một nhà thơ sống giữa nhiều vai - làm báo, làm chính khách và mang trong mình những băn khoăn thi sĩ.

Thơ Thuận Hữu không tách khỏi đời, mà đậm đặc chất đời, chất người - nhưng là đời sống đã lắng đọng, chắt lọc qua nhọc nhằn, mất mát, va vấp. Đời sống của một người viết, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ ghi nhớ, và giãi bày những điều khó nói không bằng bất cứ ngôn ngữ nào khác ngoài thơ.

Không cố tạo dấu ấn, cũng không chủ đích tìm một chỗ đứng trong thi đàn, thơ ông đến tự nhiên như hơi thở - đôi khi chậm, đôi khi ngắt quãng - nhưng đều có thật. Nó không tìm cách chinh phục, mà ở lại trong người đọc bằng sự lặng lẽ của cảm xúc đã đi qua chiêm nghiệm.

Và tôi tin, trong tất cả những điều ông để lại - không phải là những gì người ta thường nhắc trong vai chính khách - mà chính là những câu thơ ấy: nhỏ nhẹ, kín đáo nhưng cũng thẳng thật, chân thành như những nhánh ký ức ông đã âm thầm nhặt dọc đường đời.