Trò chuyện

Biên đạo múa Tuyết Minh: Trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, vở nhạc kịch Người cầm lái về hình tượng Bác Hồ đánh dấu chặng đường đưa Nhạc kịch - một thể loại nghệ thuật của phương Tây mang đậm màu sắc Việt tới Việt Nam từ năm 2021 và mang lại cảm hứng cho những vở nhạc kịch sau này của chị như: “Dế mèn phiêu lưu ký”; “Bỉ Vỏ”; “Sân khấu 24H”; “Ký ức để lại”. Ðây cũng là vở diễn nhận được những Giải thưởng lớn, những phản hồi tích cực của khán giả và giới chuyên môn trong nhiều năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Biên đạo múa Tuyết Minh.
Biên đạo múa Tuyết Minh.

Dùng đối thoại để vẽ nên những không gian lịch sử

Ý tưởng khởi phát cho vở diễn Người cầm lái xuất hiện như thế nào và vì sao chị lại chọn nhạc kịch - một hình thức còn khá mới ở Việt Nam thời điểm đó (năm 2021) để thể hiện hình tượng Bác Hồ?

Tôi nghĩ, mỗi người Việt Nam chúng ta đều có một tình cảm đặc biệt với Bác Hồ kính yêu. Tôi vẫn nhớ những cảm xúc khi đặt bút viết kịch bản Người cầm lái cho Nhà hát Công an Nhân dân. Đó là một đề tài khó vì đã có nhiều vở diễn về Bác ở các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, sân khấu kịch, nhưng lĩnh vực nhạc kịch thì chưa có. Phong cách nhạc kịch rất khác, việc chuyển tải những lời thoại liên quan đến tư tưởng, chính trị thường khó hơn cảm xúc đơn thuần của con người. Đó là một thách thức và áp lực trong sáng tạo. Nhưng có hai lý do thôi thúc tôi làm vở nhạc kịch này. Trước hết, trong sự nghiệp của mình, song song với các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học như Ballet Quan Âm Thị Kính, Ballet Kiều, nhạc kịch Mỵ, tôi rất chú trọng mảng những nhân vật lịch sử - đó là một dòng chảy cần được trao truyền lại cho thế hệ sau. Tôi đã làm về Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Anh hùng Võ Thị Sáu... Tôi muốn khán giả hiểu và yêu hơn nguồn cội của mình và tình yêu đất nước sẽ được nuôi dưỡng từ những câu chuyện như thế.

Bác Hồ là một tấm gương vĩ đại, nếu soi chiếu từng chặng đường Bác đi, từng con người Bác gặp đều để lại những bài học lớn cho hậu thế. Nhưng Bác Hồ không chỉ là một người anh hùng, Bác còn là một tấm gương, một Con Người giản dị, gần gũi. Tôi muốn qua tác phẩm Người cầm lái khán giả sẽ có thêm một góc nhìn về Bác Hồ kính yêu, về tư tưởng của Người qua hành trình đi tìm đường cứu nước.

Đã có nhiều tác phẩm lớn về Bác Hồ, với Người cầm lái vì sao chị chọn lát cắt 30 năm đi tìm đường cứu nước của Người để dựng lên hình tượng một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng vẫn gần gũi, giản dị?

Khi tiếp cận với những tư liệu về Bác, tôi cảm nhận tuổi thơ Bác đã sống giữa dòng chảy lịch sử với nhiều tư tưởng, trào lưu tìm đường cứu nước của các vị tiền bối. Người đã sớm nhìn thấu thời cuộc và đã chọn con đường của riêng mình. 30 năm ấy, Bác đã đi qua bao nhiêu nước, đi bằng cách nào? Làm sao Bác thoát khỏi sự truy lùng của mật thám? Tôi nghiên cứu tư liệu Bác hoạt động ở Mỹ, Nga, Trung Quốc... đồng thời đọc chéo những tư liệu của Lực lượng Công an viết về Bác. Khi soi chiếu hai nguồn tài liệu đó, tôi nhận ra, có rất nhiều vấn đề nghiệp vụ của công an được đúc kết trong 125 câu nói của Bác Hồ đối với lực lượng công an. Điểm nhấn và cũng là thách thức của vở nhạc kịch là chuyển tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Nguyễn Sinh Cung lúc 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả Khiêm từ Nam Đàn vào Kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung với nỗi đau đầu đời và tuổi thơ đầy sóng gió khi mẹ Hoàng Thị Loan và em Nguyễn Sinh Xin lâm trọng bệnh rồi mất. Rồi Nguyễn Tất Thành tuổi đôi mươi đã lập chí lớn ra đi tìm đường cứu nước. Tư tưởng của Người đã hình thành trong hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước đó. Đây chính là lý do tôi lựa chọn lát cắt lịch sử này.

Điều thú vị ở vở nhạc kịch Người cầm lái là chị đã xây dựng hình tượng của Bác Hồ qua những cuộc đối thoại, thông qua những cuộc đối thoại để toát lên tư tưởng của Người?

Đúng thế, các phân cảnh kết cấu với những trường đoạn lớn của tôi đều là những cuộc đối thoại và qua đối thoại, tôi muốn vẽ nên không gian lịch sử, tư tưởng của từng nhân vật, những xu hướng khác nhau trong thời khắc lịch sử ấy, từ đó làm nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh. Có những trường đoạn rất ấn tượng với khán giả như trường đoạn Bác Hồ đối thoại với Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut mà tôi đã chuyển hóa thông điệp qua giai điệu ca từ, hát nói thể hiện tính cách, sự đối đầu quyết liệt giữa một Người yêu nước can trường đại diện cho một dân tộc đang bị áp bức với sự áp chế của “Mẫu quốc” thực dân đô hộ. Hay đoạn Bác đối thoại với Nữ thần Tự do thể hiện rõ tư tưởng nhân văn của Người. Người đã đến chính những nơi họ rao giảng về quyền tự do, bình đẳng, bác ái để cảm nhận được thân phận của những người da đen, da trắng, ở dưới chân tượng Nữ thần vẫn khốn khổ, cùng cực, bị bóc lột đến tận xương tủy, những đoạn đối thoại của Bác như đang nói với đồng bào mình, đối thoại với những người cùng khổ... và con đường cứu nước cho dân tộc đã được Bác tìm ra từ đó.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi ảnh 1
Biên đạo múa Tuyết Minh: Trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi ảnh 2

Cảnh trong vở nhạc kịch Người cầm lái.

Đó là cuộc đối thoại giữa cụ Phan Bội Châu, cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc với Nguyễn Tất Thành phút chia tay đi tìm đường cứu nước. Cuộc đối thoại giữa hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến và tư tưởng tiến bộ của Bác, chất vấn của hai con đường cứu nước khác nhau để thấy Người đã kiên định đi theo lý tưởng của mình. Hay đoạn Văn Ba đứng trước con tàu định mệnh, có hai tiếng nói đối thoại với nhau rõ ràng, mạch lạc, một là tiếng nói của Nguyễn Tất Thành đọng lại những tình cảm sâu lắng, những ký ức vẹn nguyên thuở thiếu niên, nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, bà con lối xóm. Còn bên kia là tiếng chất vấn của Văn Ba, một thanh niên đang sống trong lòng một xã hội với những đặc quyền của người Pháp. Nguyễn Tất Thành quyết bước lên con tàu định mệnh, bôn ba năm châu bốn biển để tìm đường giải phóng cho dân tộc.

Tôi muốn tác phẩm có đời sống rộng dài hơn

Điều thú vị ở tác phẩm Người cầm lái là chị sử dụng rất nhiều chất liệu âm nhạc dân gian để làm cho vở diễn trở nên gần gũi hơn. Đó là chủ ý làm Việt hóa những vở nhạc kịch của chị chăng?

Vở Người cầm lái được sáng tác theo hình thức nhạc kịch, bán cổ điển. Tuy nhiên hồn cốt vẫn là chất liệu dân gian được tôi và các cộng sự sáng tạo khá đậm đặc trở thành những thủ pháp xuyên suốt, thống nhất trong toàn bộ tác phẩm. Ở Cảnh 1, khi Bác sinh ra, tôi áp dụng thủ pháp sân khấu truyền thống, khi một vĩ nhân ra đời thường có những điềm thiên tượng, trên trời có sao Bắc Đẩu, vầng hào quang và âm nhạc là những bài hát ru, những làn điệu ca trù; hay ở Kinh thành Huế những trò chơi dân gian trong đêm rằm Trung thu, trong câu hát đồng dao nhắc nhớ cả một dòng chảy lịch sử từ thời thượng cổ Hồng Bàng, vua Thần Nông đến 18 Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu cho đến thời Nguyễn... Điều đó cho thấy Bác đã được nuôi dưỡng trong môi trường thấm đẫm văn hóa Việt. Và tình yêu nước của Người cũng được hun đúc từ chính cái nôi đất học ấy.

Vở nhạc kịch Người cầm lái được xây dựng theo hình thức giao hưởng đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, phát huy di sản truyền thống của sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt qua thanh âm của những nhạc cụ dân tộc, chất liệu, ngôn ngữ múa dân gian đương đại kết tinh từ tâm hồn, bản sắc truyền thống Việt.

Đây là một vở diễn chị dàn dựng cho Nhà hát Công an Nhân dân và đã từng giành giải xuất sắc nhất tại Liên hoan Ca múa toàn quốc năm 2022. Tuy nhiên, chị có nghĩ đến việc nối dài đời sống của vở diễn để tác phẩm đến gần hơn với khán giả?

Người cầm lái đã có nhiều đêm diễn tại Hà Nội, nhất là vào dịp sinh nhật Bác 19 tháng 5 hằng năm. Tuy nhiên, lịch diễn chưa nhiều. Trong tương lai gần, tôi sẽ nâng cấp tác phẩm lên một bước nữa như đưa ballet vào những cảnh diễn thị giác, xin phép dàn dựng và mời một số nghệ sĩ thử vai, để tìm những giọng hát phù hợp với nhân vật hơn, cũng không ngoại trừ việc tôi sẽ dịch toàn bộ ca khúc và lời thoại sang tiếng Anh để có thể tính đến những bước đi xa hơn cho nhạc kịch Việt có một đời sống rộng dài hơn, lan tỏa những câu chuyện về Bác cũng như nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật lịch sử vĩ đại của Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước bằng hình thức nhạc kịch. Tôi nghĩ sẽ là một trải nghiệm thú vị và cũng có thể đó sẽ là hướng đi của tôi trên chặng đường làm nghề phía trước.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!