Bao nhiêu nỗi niềm vui buồn thầm kín đều trút vào thơ cả... Ngay cả khi người làm thơ cố ý làm mờ đi, nói thác đi thì những xúc cảm nội tâm của mình, cuối cùng, người đọc tinh vẫn cứ phát hiện ra.
Xét theo nghĩa ấy, hành trình thơ của Ngô Thanh Vân, ngay từ tập thơ đầu tiên “Qua miền nhớ” - 2006, cho đến các tập “Mười hai tháng sáu” - 2009, “Phác thảo đêm” - 2015, và gần đây nhất là “Nằm nghe lá thở”- 2018, tất cả đã hiện lên một diện mạo, một chân dung tinh thần thi sĩ có đường nét và cá tính.
Ngay khi người viết đặt nhan đề cho bài viết nhỏ này mang tên “Em và phố và thơ”, rất tự nhiên đã tạo ra một trật tự: “Em” là cái tôi trữ tình, “Phố” - một đối ảnh của cái tôi trữ tình, và “thơ” chính là sự lên tiếng của con chữ nhằm biểu đạt hai thực thể đó và biểu đạt chính nó trong mối quan hệ ràng rịt khó tách bạch.
Với chủ thể trữ tình, có thể nói người thơ xuất hiện trong một sự đa dạng, phong nhiêu, với nhiều tình huống, trạng thái, khung cảnh, mầu sắc, nơi chốn khác nhau. Người thơ ấy cũng đi qua thời thanh nữ yêu đương say mê và khờ khạo, đắm say và đau khổ, lâm vào những chấn thương nhiều cung bậc. Thơ của những năm tuổi trẻ, Ngô Thanh Vân cũng như phần lớn người làm thơ khác, chủ yếu viết về tình yêu, rất nhiều. Nhưng để có được những bài thơ tình thật đặc sắc là không hề dễ. Phải đến tập “Phác thảo đêm”, thơ tình, và không chỉ thơ tình của Vân mới bắt đầu có chất riêng: thành thật với nội tâm và bản ngã bằng một cường độ mạnh, tự tín, dám là chính mình, đối thoại lại với những giả dối, lừa mị, trái ngang. Không ít bài thơ chất chứa khổ đau vật vã. Tuy nhiên, người thơ biết cách tự vượt mình, tự cứu mình trong ý thức về phẩm giá và lòng khát sống: em không khóc nơi ngã rẽ/phía trước những con đường... (Ngã rẽ). Càng về sau, chủ thể trữ tình càng tìm cách dịt lành những vết thương nội cảm, tự cân bằng nội tâm, hướng về sự yên tĩnh của tâm hồn. Cảm thức thời gian có mặt, vừa mang nỗi buồn vừa nương thuận như một tất yếu. Hình ảnh “Đời tóc” (cũng là tên một bài thơ) xuất hiện nhiều như một ẩn dụ về sự phôi pha: ngẫm một đời sợi tóc/đen trắng cũng phận người/mà bàn tay sấp ngửa/khiến bao lần chơi vơi... Trong hành trình dằng dặc của thân phận, đôi khi ký ức của tình yêu tuổi trẻ vẫn lẻn về với nhiều xao xuyến. Nó làm nên sắc điệu trẻ trung, tình tứ - một phía khác của phôi pha.
Trong thơ Ngô Thanh Vân có một thao thức phố trở đi trở lại với tần số dày đặc, có mặt ngay từ tập thơ đầu. Phố không chỉ hiện lên như một khung cảnh đẹp đẽ, trìu mến mà còn gắn liền với bao kỷ niệm, bao gương mặt: Quỳ đã vàng ngõ nhỏ/ phố đã chừng chớm đông/gió rét lùa ngoài cửa/người có về kịp không?// Sương đã dùng dằng phố/phố đã dùng dằng mây/rượu đã dùng dằng mắt/môi này, người có say? (Dùng dằng phố).
Đối với đời một con người, nơi chốn mình sinh ra, lớn lên, ăn ở với nó là vô cùng quan trọng. Nó chi phối cuộc sống cá nhân muôn nỗi. Nó như một tài sản tinh thần. Nó góp phần cấu thành cá tính, thân phận. Có điều, tùy mỗi nhà thơ, nơi chốn có trở thành nguồn thi cảm hay không lại là chuyện khác. Với nữ thi sĩ Ngô Thanh Vân, phố, cụ thể hơn là phố núi Pleiku, phố của dốc núi, sương mờ, đông giá, quỳ vàng, phố của “Còn chút gì để nhớ” Vũ Hữu Định-Phạm Duy... đã trở thành một dưỡng chất tâm hồn, gắn bó và ơn huệ. Nhà thơ có những câu thơ rất lạ và ám ảnh: Phố dài như ngày tôi bụng mang dạ chửa (...)/ phố hiểu tôi như tôi hiểu một người giữa vạn, nghìn người/và nhiều hơn nữa/một khát khao rất đỗi con người// Phố. Tôi. Pleiku thăm thẳm/Yêu nhau tự ngàn năm (Tự tình phố). Và như thế, phố không còn là một đối tượng ngoài mình, mà phố và em hiện lên như một tình yêu, làm thành nhất thể. Có lẽ ít nhà thơ nào lại viết về không gian phố núi Pleiku một cách tập trung và nhiều ám gợi đến vậy. Gần đây, nữ thi sĩ mới cho ra mắt tập tản văn mang tên “Vân môi say phố” (2024), toàn những nỗi niềm phố, thân phận phố, yêu phố đến khổ đau, như một cách văn xuôi hóa những cảm xúc thơ mà chị đã từng nhưng chưa kịp cất lời...
Như trên kia đã nói, Em và Phố trở thành hai nguồn thi cảm dồi dào, quán xuyến và hòa trộn trong thơ Ngô Thanh Vân. Nữ thi sĩ là người có nhiều thao thức với thơ, với lao động thơ, với chữ. Đã có lần nhà thơ nhận ra và tự nhủ mình: Tôi hát bài hát dành cho mình/đoản khúc thu. Và những điều đã cũ/ ý nghĩ cũ. Ngôn từ cũ. Tư duy cũ. Cảm xúc cũ.../ con tàu chạy trên đường ray cũ/ru tôi ngủ/trong giấc mơ thiên di/thấy tôi bay về phía mặt trời/xé toang vỏ bọc/thiêu thân lao vào lửa/đốt mình/tái sinh (Tái sinh). Chừng nào thi sĩ còn biết dằn vặt chữ như thế, khi đó mới hy vọng có thơ hay. Tôi tin những bài thơ như “Đêm Pleiku”, “Cây ngô đồng”, “Tự tình phố”, “Vết xâm kim”, “Nằm nghe lá thở”... chắc chắn sẽ chinh phục được bạn đọc, kể cả bạn đọc khó tính.
Bây giờ thơ chị bình lặng hơn, nhiều chất nghĩ hơn. Cũng phải thôi, như ai đó đã từng nói, không ai chống lại được tự nhiên. Sự sống là một cuộc hóa sinh vĩ đại mà mỗi cá nhân hết thảy thuộc về:
“đành là vậy, rồi cũng về với cội
để hóa thân tro bụi lại đâm chồi
ta chợt hiểu mình cũng như đời lá
cháy hết mình cho lộc biếc vươn cao”
(Nằm nghe lá thở)
Đường thơ của Ngô Thanh Vân vẫn đang rộng dài phía trước...
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Ngô Thanh Vân
ĐÊM PLEIKU
Pleiku đêm
phơi những ngực trần
đồi bát úp
mỏi gối con đường heo hút
nhọc nhằn
Pleiku đêm
lang thang dấu chân vô định
anh vẽ đường vòng lên đôi mắt nâu
bằng khói thuốc
tan vào em vào sương
tay trần vuốt ve đêm
Pleiku thanh tân thiếu nữ
nhú nhú đồi vàng
ngân ngấn mắt Biển Hồ chớp động
Pleiku khỏa vào em nốt trầm
mặc nhiên như hàng thông câm lặng
anh khỏa vào nỗi khát thèm
đêm dậy thì mùi hương con gái
nghiêng đêm.
![]() |
Minh họa | NGUYỄN MINH |
CÂY NGÔ ĐỒNG
Cây ngô đồng trên đồi đã bao năm vươn mình che chở
ngày đôi bận đi về
sáng nắng chiều mưa nhắc nhở
rằng em dừng lại trú chân
Chẳng thể gởi nỗi niềm vào gió
gió tung hê
em thủ thỉ buồn vui cùng xù xì cổ thụ
cây kể em nghe vết thương từ cuộc chiến
trở trời nhói buốt suốt đêm đông
Cây lặng thầm ôm ấp những bão giông
mặc kệ cô đơn phủ đầy năm tháng
bỗng một chiều cây vặn mình trút lá
trơ cành
phơi giấc mộng không thành
Cây cứ thế rời xa chẳng nói lời từ biệt
đồi xanh bỗng khuyết một bóng tùng
những bận đi về
nghe đơn độc
đã vắng ngô đồng đứng chở che
Ngày mai em có qua lối cũ
chỉ thấy chênh chao lẫn thẫn thờ
một chiếc lá vàng vừa đậu xuống
nhạt nhòa khuất lấp cả sơn khê...