Những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả
Ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, chính thức khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu hình thành, những bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng luôn đóng vai trò chủ đạo. Tiêu biểu có thể kể đến bộ phim Điện Biên Phủ (1954) của đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Chung một dòng sông (1959) của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam, Con chim vành khuyên (1961) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ, Đường ra phía trước (1969) của đạo diễn Hồng Chi, Nổi gió (1966) của đạo diễn Huy Thành và Lê Bá Huyến, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) và Em bé Hà Nội (1974) của đạo diễn Hải Ninh… đã ghi lại những chiến công vang dội và khắc họa tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của quân và dân ta.
Sau ngày thống nhất đất nước, dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ với hàng loạt tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Những bộ phim như Mùa gió chướng (1978), Cánh đồng hoang (1979) của đạo diễn Hồng Sến, Bài ca không quên (1981) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) của đạo diễn Đặng Nhật Minh hay Hà Nội trong mắt ai (1983) của đạo diễn Trần Văn Thủy không chỉ thể hiện chân thực các sự kiện lịch sử mà còn khắc họa sâu sắc số phận con người trong chiến tranh. Cánh đồng hoang, với hình ảnh đôi vợ chồng nông dân kiên cường chống lại kẻ thù trên cánh đồng ngập nước, đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất và tình yêu quê hương, đất nước tha thiết. Bộ phim được vinh danh tại Liên hoan phim quốc tế Moskva 1981. Những tác phẩm này không chỉ là bản anh hùng ca của thời đại mà còn là lời tri ân tới thế hệ cha anh; qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Từ sau năm 1986 điện ảnh Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Các bộ phim về chiến tranh cách mạng mang hơi thở mới, chú trọng hơn đến yếu tố con người, với những thân phận khuất lấp và đề cao tính nhân văn. Nổi bật có thể kể đến bộ phim Biệt động Sài Gòn (1986) của đạo diễn Long Vân, thành công trong việc kết hợp yếu tố hành động kịch tính với câu chuyện về lòng trung thành, sẵn sàng hy sinh vì đất nước của lực lượng đặc công quân Giải phóng miền nam. Tác phẩm được đánh giá là một trong những bộ phim thành công nhất thời kỳ này và trở thành biểu tượng của dòng phim chiến tranh cách mạng. Bộ phim Dòng sông phẳng lặng (1992) của đạo diễn Lê Đức Tiến, Đời cát (1999) của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lại cho thấy sự đổi mới trong cách tiếp cận đề tài chiến tranh, không tập trung vào chiến trường mà khai thác hậu quả chiến tranh lên số phận con người với những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, tình yêu và sự hy sinh, mất mát. Còn bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm (2002) của đạo diễn Bùi Đình Hạc là một trong những tác phẩm điện ảnh chú trọng sử dụng kỹ xảo và âm thanh hiện đại mang lại cảm giác hoành tráng, mãn nhãn cho khán giả.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam ghi nhận những nỗ lực bứt phá của các nhà làm phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Đội ngũ các nhà làm phim ngày càng trẻ hóa với sự xuất hiện của nhiều gương mặt thuộc thế hệ 8X,9X, có điều kiện tiếp cận với những cách làm phim tiên tiến trên thế giới. Cùng với sự đầu tư lớn hơn từ Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, việc tăng cường ứng dụng công nghệ... đã giúp mang đến những tác phẩm hiện đại, nội dung gần gũi, hấp dẫn khán giả. Nhiều bộ phim đã gặt hái được thành công, tạo được tiếng vang. Tiêu biểu có thể kể đến phim Đừng đốt (2009), Mùi cỏ cháy (2012) của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, Những người viết huyền thoại (2013) của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Người trở về (2015) của đạo diễn Đặng Thái Huyền, Truyền thuyết về Quán Tiên (2020) của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, Đào, phở và piano (2023) của đạo diễn Phi Tiến Sơn…
![]() |
Poster chính thức của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh | ĐPCC |
Cần những sự đột phá
Trong khi khán giả Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng bị cuốn hút bởi những bộ phim bom tấn Hollywood, phim truyền hình nước ngoài hay phim chiếu mạng thì những bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng bị đánh giá là “khô khan”, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả hiện đại. Một số bộ phim như Thầu Chín ở Xiêm (2015) của đạo diễn Bùi Tiến Dũng hay Truyền thuyết về Quán Tiên (2020) của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ dù được khen ngợi là có ý tưởng tốt nhưng vẫn bị phê vì lối kể chuyện đơn điệu, thiếu đột phá.
Bên cạnh đó, việc phim tập trung phục dựng sự kiện, thiếu chiều sâu tâm lý nhân vật hoặc chỉ tập trung vào khía cạnh tuyên truyền mà bỏ qua yếu tố nghệ thuật và giải trí khiến một số phim khó chạm đến cảm xúc của khán giả, nhất là người trẻ. Mặt khác, so với các nền điện ảnh lớn trên thế giới, điện ảnh Việt Nam hiện vẫn đối mặt với khó khăn về kinh phí sản xuất. Trong khi những bộ phim lịch sử đòi hỏi bối cảnh hoành tráng, phục trang, đạo cụ phức tạp nhưng thường không được đầu tư xứng đáng, dẫn đến chất lượng hình ảnh và âm thanh chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.
Từ thực tế này cho thấy để dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng tiếp tục phát huy vai trò trong bối cảnh hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần có những bước đi đột phá nhằm vừa giữ được giá trị cốt lõi, vừa tạo sức hút mới với công chúng. Thiết nghĩ các nhà làm phim cần học hỏi kinh nghiệm từ những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc trong việc kết hợp yếu tố lịch sử với các thể loại hiện đại như hành động, tâm lý, thậm chí giả tưởng. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ quay phim, kỹ xảo hiện đại sẽ giúp nâng cao chất lượng hình ảnh, mang lại trải nghiệm mãn nhãn hơn cho khán giả. Các bộ phim cũng cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng khán giả trẻ bởi lẽ đây là lượng khán giả tiềm năng nhưng cũng khó tính nhất. Theo đó các bộ phim cần khai thác những góc nhìn mới mẻ, như câu chuyện của những người trẻ trong chiến tranh, gắn những bài học lịch sử với cuộc sống hiện đại... Việc kết hợp với các nền tảng mạng xã hội, tạo ra các chiến dịch truyền thông sáng tạo cũng là cách để đưa phim đến gần hơn với công chúng. Cần xây dựng chiến lược làm phim bài bản, dài hạn, Nhà nước và các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào các dự án phim lịch sử, đồng thời khuyến khích hợp tác với các đối tác nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng thị trường. Song cũng cần nhìn nhận rằng dù đổi mới thế nào, cốt lõi của dòng phim này vẫn là khơi dậy lòng biết ơn và tự hào dân tộc.
Dẫu phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hiện đại, dòng phim chiến tranh cách mạng vẫn luôn có chỗ đứng xứng đáng nếu biết cách thích nghi và nỗ lực đổi mới. Những ngày đầu năm 2025, thông tin về hai bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tái hiện cuộc chiến và đời sống thường nhật của những du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi, và Mưa đỏ của đạo diễn Đặng Thái Huyền về cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm1972 nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Điều này cho phép chúng ta lạc quan về triển vọng của dòng phim chiến tranh cách mạng.
Phim lịch sử, chiến tranh cách mạng không chỉ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại mà còn là ngọn lửa thắp sáng tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu và trân trọng hơn đất nước, con người Việt Nam. Hiểu lịch sử để trân trọng hòa bình, tạo động lực để xây dựng đất nước hôm nay - đó là sứ mệnh thiêng liêng mà điện ảnh cách mạng đang nỗ lực thực hiện.