Nghệ thuật làm giấy truyền thống của Nhật Bản

Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất giấy ngày càng  phát triển trên thế giới, người Nhật Bản vẫn luôn tự hào về washi - loại giấy truyền thống thể hiện sự khéo léo, tinh tế của “đất nước mặt trời mọc”. Các nghệ nhân sản xuất washi của Nhật vẫn không ngừng nỗ lực để đưa loại giấy truyền thống vào sử dụng rộng rãi hơn trong đời sống. 

Quá trình sản xuất washi diễn ra hoàn toàn thủ công. Ảnh: THE JAPAN TIMES
Quá trình sản xuất washi diễn ra hoàn toàn thủ công. Ảnh: THE JAPAN TIMES

Tên gọi “washi” có nghĩa đơn giản là giấy truyền thống Nhật Bản, trong đó “wa” là Nhật Bản, còn “shi” là giấy. Theo Nihon Shoki, một trong những biên niên sử cổ nhất của Nhật Bản, washi được các tăng lữ phật giáo đem tới Nhật Bản vào những năm 600, với mục đích ban đầu để ghi chép kinh Phật. Theo thời gian, người Nhật đã tìm tòi, cải thiện được độ bền của giấy và đem tới nhiều công năng hơn cho washi. Kết cấu chắc chắn và khả năng thấm hút giúp washi trở nên lý tưởng cho thư pháp và các tác phẩm nghệ thuật bằng mực khác. Ngày nay, washi cũng được đánh giá rất cao để sử dụng trong in tranh, in dập nổi, chạm nổi. Để nêu bật phong cách truyền thống, người Nhật Bản thường lựa chọn washi để in các loại thiệp và ấn bản khác. Washi cũng là loại giấy giúp duy trì hình dạng tốt, nên được những người đam mê nghệ thuật gấp giấy origami yêu chuộng. Với cách lọc ánh sáng độc đáo, washi cũng là vật liệu thường được sử dụng làm tấm chắn cửa sổ, cửa ra vào, hay đèn lồng. 

Washi không chỉ đa năng công dụng mà còn thân thiện môi trường. Bởi, không giống quy trình sản xuất giấy công nghiệp, người Nhật Bản thường chỉ sử dụng các cành để làm giấy washi mà không cần chặt toàn bộ cây. Trong khi sản xuất giấy thông thường sử dụng hóa chất, washi được sản xuất thủ công không có hóa chất và có thể dễ dàng phân hủy.

Mino là một trong những thành phố có nghề sản xuất washi truyền thống lâu đời nhất Nhật Bản. Vào mỗi dịp Washi Akari, lễ hội của nghệ thuật giấy và ánh sáng ở Mino, tất cả mọi người từ học sinh tiểu học đến các nghệ nhân lành nghề đều cùng nhau làm đèn lồng từ washi. Tuy nhiên, sản xuất washi là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo. Theo Takeshi Kano, một nghệ nhân ở Mino có đủ tiêu chuẩn để sản xuất honminoshi - hình thức được đánh giá là tinh khiết nhất và truyền thống nhất của washi, để được công nhận thì một người thợ làm giấy cần được đào tạo ít nhất 10 năm. Honminoshi phải được làm hoàn toàn thủ công và chỉ được sử dụng ba thành phần, gồm kozo (còn gọi là cây dâu tằm giấy), nước và neri (một loại nhựa từ thực vật).

Năm 2014, truyền thống làm giấy honminoshi ở Mino, cùng với sekishubanshi ở Hamada (tỉnh Shimane) và hosokawa ở tỉnh Saitama được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Giống như honminoshi, sekishubanshi và hosokawa cũng được làm thủ công hoàn toàn và chỉ sử dụng kozo. Các phương pháp và tỷ lệ nguyên liệu làm giấy có thể thay đổi theo từng vùng và mục đích sử dụng của washi. Quy trình để làm ra một tờ washi có thể mất đến hằng tuần. UNESCO mô tả, người Nhật Bản luôn tự hào về truyền thống làm washi của họ và coi đó là biểu tượng của bản sắc văn hóa. 

Washi không phải là loại giấy duy nhất được sản xuất ở Nhật Bản ngày nay, nhưng nó vẫn đang phát triển mạnh mẽ và các nhà sản xuất washi có mặt khắp Nhật Bản. Các tour trải nghiệm trực tiếp tham gia quy trình sản xuất washi cũng được nhiều du khách Nhật Bản và nước ngoài ưa chuộng. Tại nước này cũng xuất hiện nhiều cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm hiện đại như quần áo, túi xách, đồ trang trí nội thất… được làm từ washi thủ công truyền thống. Năm 2020, một nhà sản xuất dệt may của Nhật Bản thậm chí còn thử nghiệm loại khẩu trang có thể tái sử dụng làm từ washi. Theo National Geographic, các vận động viên tham gia Olympic và Paralympic Tokyo năm nay nhận giấy chứng nhận thành tích được in trên washi.