Chính sách hỗ trợ toàn diện và tầm nhìn quốc gia
Chính phủ Hàn Quốc nhận thức sâu sắc rằng công nghệ sinh học là ngành công nghiệp của tương lai, cần được đầu tư mạnh mẽ. Do đó, các kế hoạch toàn diện 5 năm liên tục được đặt ra, với những mục tiêu cụ thể, như đưa Hàn Quốc vào nhóm sáu cường quốc dược phẩm hàng đầu thế giới vào năm 2027.
Hàn Quốc nổi tiếng là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên GDP cao nhất thế giới, đạt xấp xỉ 4,2% GDP. Số tiền này được phân bổ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học, các dự án nghiên cứu và đổi mới. Trong năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư 6,32 nghìn tỷ won (khoảng 4,6 tỷ USD) vào R&D, tăng 21,2% so năm trước. Mặc dù không phải tất cả đều dành cho lĩnh vực sinh học, nhưng một phần lớn nguồn tài chính này được phân bổ cho các lĩnh vực công nghệ cao và các dự án xuyên bộ, ngành liên quan đến y tế.
Hơn nữa, việc liên tục mở rộng cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghệ sinh học, cùng với việc thành lập các cơ quan giám sát chiến lược như Hội đồng Sinh học Quốc gia (cấp tổng thống), cho thấy một “tầm nhìn quốc gia” rõ ràng cùng khả năng điều phối mạnh mẽ từ cấp cao nhất. Chính phủ cũng không ngừng rà soát và cải cách các quy định, nhằm tăng tốc quá trình phê duyệt sản phẩm và hỗ trợ niêm yết cổ phiếu (IPO) cho các công ty trong ngành.
Nhờ sự kết hợp hoàn chỉnh giữa chính sách hỗ trợ tài chính, khung pháp lý linh hoạt và định hướng quốc gia rõ ràng đó, Hàn Quốc đã tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự đổi mới liên tục, thu hút đầu tư, biến các nghiên cứu tiên tiến thành các sản phẩm có giá trị kinh tế và xã hội, định vị mình là một trong những trung tâm sinh học hàng đầu thế giới. Tính đến hết năm 2022, có 1.089 công ty sinh học tại Hàn Quốc, phần lớn tập trung ở khu vực Seoul/Gyeonggi. Khoảng 44% số công ty công nghệ sinh học tập trung vào lĩnh vực dược phẩm và chẩn đoán, trong đó 19% đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cân bằng giữa đạo đức và đổi mới
Sự phát triển của công nghệ sinh học mới, đặc biệt là công nghệ tế bào gốc, luôn đi kèm với những thách thức về đạo đức cũng như độ an toàn. Hàn Quốc đã có kinh nghiệm xương máu từ vụ bê bối của Giáo sư Hwang Woo Suk năm 2006, và từ đó, đất nước này hết sức nghiêm túc trong việc xây dựng một khung pháp lý đủ điều kiện vừa thúc đẩy đổi mới vừa bảo đảm an toàn và đạo đức một cách chặt chẽ. Đạo luật An toàn và Hỗ trợ Y học tái tạo tiên tiến, Sản phẩm sinh học tiên tiến (Advanced Regenerative Bio Act), được ban hành vào năm 2020 và có hiệu lực đầy đủ vào tháng 2/2025, là minh chứng rõ ràng nhất cho cách tiếp cận này.
Luật này không chỉ đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn cho nghiên cứu và ứng dụng, mà còn cho phép bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo được tiếp cận sớm với các liệu pháp tiên tiến chưa được phê duyệt thương mại đầy đủ. Hệ thống phân loại rủi ro (cao, trung bình, thấp) và quy trình phê duyệt tập trung thông qua Hội đồng đánh giá quốc gia giúp kiểm soát chặt chẽ các liệu pháp rủi ro cao, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho các liệu pháp rủi ro thấp hơn.
Theo TS Brian Kim, chuyên gia nghiên cứu sinh học Hàn Quốc, Luật Y học tái tạo tiên tiến không chỉ tạo ra một khung pháp lý rõ ràng cho các sản phẩm mới, mà còn thể hiện sự linh hoạt của chính phủ trong việc điều chỉnh quy định, nhằm đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng và tiếp cận thị trường cho các liệu pháp mới, từ đó cho phép doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa.
Bên cạnh đó, Luật Đạo đức sinh học và An toàn sinh học (ban hành năm 2003, sửa đổi năm 2006) tiếp tục là nền tảng quản lý nghiên cứu tế bào gốc phôi người, cân bằng giữa lợi ích khoa học và các giá trị đạo đức, bảo đảm rằng các nghiên cứu tiến hành trong khuôn khổ được xã hội chấp nhận. Khung pháp lý này đã và đang trở thành "hành lang" tin cậy, hướng dẫn cả các nhà khoa học lẫn doanh nghiệp đi đúng hướng.
Với những bước đột phá từ nhận thức, tư duy đến hành động đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng đơn đăng ký sáng chế. Năm 2023, số lượng đơn đăng ký sáng chế từ các nhà đổi mới tại Hàn Quốc đã tăng 5,8%, đạt 288.001 đơn, khẳng định vị thế là một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất vào kho tàng sở hữu trí tuệ toàn cầu.
Nhìn vào câu chuyện thành công của Hàn Quốc trong công nghệ sinh học nói chung và y sinh học tái tạo nói riêng, chúng ta thấy một mô hình phát triển toàn diện, có tính toán hợp lý với hành lang pháp lý chặt chẽ đi kèm. Đây có lẽ cũng chính là một sự gợi mở đáng giá cho nền công nghệ sinh học Việt Nam, để từng bước thiết lập một ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.