Bảo vệ cây trồng bằng vi sinh
Chuyến đi thực tập tại một vùng nông nghiệp ở Tây Nguyên giúp Huỳnh Quí Nguyệt tận mắt chứng kiến rau màu bị tàn phá bởi sâu bệnh, và có dấu hiệu kháng thuốc hóa học mạnh. Từ đây, ý tưởng sáng tạo một chế phẩm trừ sâu theo hướng tiếp cận sinh học thay cho hóa chất bảo vệ thực vật đã ra đời.
Vốn hiểu biết khá rõ về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu Tây Nguyên cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Nguyệt bắt đầu lựa chọn phân lập vi khuẩn tự nhiên Bacillus thuringiensis (Bt), nổi tiếng với khả năng tạo ra protein gây rối loạn tiêu hóa ở sâu non, hiệu quả cao trong việc diệt trừ côn trùng mục tiêu. Khi vào cơ thể sâu, độc tố Cry do Bt tiết ra có thể làm sâu ngừng ăn và chết sau vài giờ, trong khi lại vô hại với người và động vật.
Không có thiết bị hiện đại, Nguyệt phải tìm cách thử nghiệm công thức, tự đóng gói và bảo quản. Nhưng, một trong những khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu lại không nằm trong phòng lab, mà nằm ở khâu hoàn thiện công thức chế phẩm để đưa vào thực tế. Khi bước ra đồng ruộng, Nguyệt phát hiện: Phương thức canh tác của người nông dân rất khác so với các tính toán lý thuyết.
“Nhiều hộ dân vì đã quen với thuốc hóa học tác dụng tức thời, nên có thói quen canh tác rất khác nhau. Có hộ nông dân phun vào ban trưa nắng gắt, làm nấm chết trước khi tác động đến sâu bệnh. Có người thì lại pha với nhiều chất hóa học khác. Việc này khiến công thức phải điều chỉnh nhiều lần, đồng thời phải xác định lại tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đưa ra hướng dẫn sử dụng chính xác cho người nông dân”, Quí Nguyệt chia sẻ.
Sau hơn một năm nghiên cứu, trải qua nhiều vòng nuôi men, kiểm nghiệm độ hoạt lực và độc tính sinh học trên côn trùng mục tiêu, Nguyệt đã dần hoàn thiện công thức phối trộn và ổn định chế phẩm ở dạng lỏng. Chế phẩm mang tên Bamabe gồm Bt kết hợp cùng các thành phần hỗ trợ như axit pyroligneous (giúp xua đuổi côn trùng và tăng sức đề kháng cây), chiết xuất thảo mộc và chất kích thích tăng trưởng tự nhiên có thể phun trực tiếp lên lá hoặc
gốc cây. Sau khi thử nghiệm sản phẩm mẫu tại Tiền Giang, Lâm Đồng, Bình Định trên các đối tượng như mai vàng, rau củ, kết quả cho thấy cây trồng phát triển tốt, không có dấu hiệu cháy lá hay tồn dư độc hại.
Vượt khỏi phòng thí nghiệm
Không muốn dừng lại ở quy mô nghiên cứu phòng lab, tháng 10/2022, ngay khi còn là sinh viên năm cuối, Nguyệt cùng nhóm bạn bắt tay thành lập Công ty cổ phần sinh học SOFa, nhằm thương mại hóa Bamabe và một số loại chế phẩm sinh học khác. Nhưng khởi nghiệp có những khó khăn khác với làm nghiên cứu. SOFa bắt đầu đối diện với bài toán tài chính, bán hàng, pháp lý... những yếu tố vốn không được chú trọng nhiều trong chương trình học chính quy của nhóm sáng lập.
Mọi giấy tờ từ giấy phép kinh doanh, quảng cáo trên online, lưu thông sản phẩm, đăng ký cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật đều đòi hỏi Quí Nguyệt phải hoàn chỉnh để được kinh doanh chính thức. Đến khi sản phẩm có thể ra mắt thị trường, đầu ra lại là bài toán nan giải. Giá thành sản phẩm cao và hiệu quả chậm khiến nông dân chưa mặn mà về việc dùng thuốc sinh học trong quá trình canh tác.
“Có tháng, sản phẩm chỉ bán được 2-3 triệu đồng, có tháng không bán được. Thậm chí khi đó, về kho bãi và vận chuyển, chúng mình cũng phải nhờ thầy hướng dẫn trong trường đại học hỗ trợ”, Quí Nguyệt - Giám đốc điều hành SOFa - hồi tưởng.
Chưa có đủ kinh nghiệm thực tiễn, lại thiếu vốn để cải thiện hoạt động, sau hơn một năm quay cuồng, cuối cùng, qua kết nối, Nguyệt quyết định nhận lời đề nghị hợp tác từ một công ty sinh học. Nhận thấy những tiềm năng từ sản phẩm nghiên cứu, doanh nghiệp này đề nghị rót vốn để trở thành cổ đông chiến lược, với điều kiện bằng sáng chế độc quyền công nghệ của Bamebe sẽ được đăng ký thuộc về doanh nghiệp đối tác. Đổi lại, SOFa vẫn được toàn quyền thương mại chế phẩm, hoạch định chiến lược tiếp thị, kinh doanh và đặc biệt sẽ được hỗ trợ nhà xưởng hoàn thiện quy trình sản xuất số lượng lớn, cũng như phòng lab nghiên cứu.
Với nguồn lực hỗ trợ kịp thời, Nguyệt chọn bắt đầu với bán hàng qua kênh online để tiếp cận thị trường rộng hơn. Các nhân viên SOFa kết hợp thăm vườn hỗ trợ kỹ thuật để tăng niềm tin, cũng như bảo đảm quy trình sử dụng sản phẩm, qua đó gia tăng lượng khách hàng sẵn sàng đồng hành. Không dừng lại ở đó, chế phẩm Bamebe tiếp tục được Nguyệt cải tiến. Ngoài sử dụng trên rau màu, sản phẩm hiện nay còn được sử dụng trên những loại cây ăn quả lâu năm như: sầu riêng, mít, nhãn, xoài, bưởi…
Bamebe sau đó nhanh chóng chứng minh được tiềm năng thương mại. Năm 2024, doanh thu công ty tăng trưởng mạnh, đạt 10 tỷ đồng, trong đó 80% đến từ chế phẩm trừ sâu sinh học Bamebe, với sản lượng tiêu thụ từ 40.000 đến 50.000 lọ mỗi quý, đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt từ quy mô nghiên cứu sang sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp. Mục tiêu năm 2025 của Nguyệt cùng đội ngũ tại SOFa là đạt mốc doanh thu 20 tỷ đồng, hướng đến phổ cập các chế phẩm sinh học của SOFa tới thị trường nội địa rộng lớn.
Việc phát triển thành công một chế phẩm sinh học như Bamebe là minh chứng cho khả năng làm chủ công nghệ sinh học của các đơn vị nghiên cứu Việt Nam, cũng như các nhà khoa học trẻ. Đây không chỉ là hướng đi triển vọng về kinh tế mà còn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững của đất nước. Những chế phẩm sinh học thuần Việt là minh chứng sống động cho hành trình “Make in Vietnam” trong nông nghiệp hôm nay.