Gia cố “rường cột” của thể chế kinh tế

Để chuẩn bị thể chế hóa những định hướng quan trọng được Trung ương xác định nhằm tạo thêm động lực phát triển mới, hàng loạt dự án luật đã và đang được xây dựng, hoàn thiện trong giai đoạn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghiệp hiện đại như công nghệ số, chíp bán dẫn, công nghệ điều khiển tự động... (Nguồn RẠNG ĐÔNG)
Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghiệp hiện đại như công nghệ số, chíp bán dẫn, công nghệ điều khiển tự động... (Nguồn RẠNG ĐÔNG)

Rất nhiều thay đổi mạnh mẽ được trình Quốc hội

Tại kỳ họp thứ chín, dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua hơn 60 nội dung, nhóm nội dung, trong đó có hàng loạt dự án luật là “rường cột” của thể chế kinh tế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…

Trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp tại phiên họp thứ 44 (vừa bế mạc ngày 28/4) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Đơn cử, quy định cho phép sử dụng định danh cá nhân và định danh tổ chức để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp, nhờ đó đã giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 21 nội dung theo hướng tăng cường trách nhiệm “hậu kiểm” của các cơ quan và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. “Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính quả quyết.

Một hỗ trợ thiết thực khác, theo giới quan sát kinh tế, đó là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí ban hành nghị quyết về việc bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các viện, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ số; các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, sản phẩm phần mềm, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; khu công nghệ số tập trung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và đối tượng áp dụng mở rộng hơn so chính sách năm 2024 để phù hợp tình hình mới.

Dao sắc khéo dùng

Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước, để giữ vững và “tăng tốc” cho nền kinh tế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và hai chữ số trong những năm tiếp theo, Chính phủ đã gấp rút rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và xác định nhiều luật cần sửa đổi, bổ sung. Kỹ thuật lập pháp “dùng một luật sửa nhiều luật” được vận dụng hữu hiệu.

Điển hình là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bảy luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Đất đai, Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Quản lý, sử dụng tài sản công​ dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong điều hành, còn các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được thụ hưởng chính sách mới. Trong đó, với Luật PPP, dự thảo luật bổ sung quy định cho phép cá nhân nhà đầu tư được tham gia dự án PPP; cho phép áp dụng hợp đồng Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án PPP khi thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ không hiệu quả…

Với quan điểm thận trọng, cơ quan thẩm tra đã đề nghị đánh giá tác động đầy đủ hơn về tính khả thi trong việc kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP. Nếu yêu cầu này được đáp ứng, nền kinh tế sẽ có thêm một kênh dẫn vốn hiệu quả.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án luật thuế cũng sẽ được cân nhắc điều chỉnh, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đã cho phép trừ khoản chi phí bổ sung liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế, động viên các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn vào lĩnh vực này với kỳ vọng thu được lợi ích bền vững, dài hạn; đồng thời tăng cường khả năng tự chủ, tự lập của nền kinh tế.

Cũng cần nói rõ rằng “dùng một luật sửa nhiều luật” là giải pháp kỹ thuật không nên lạm dụng, vì nếu không khéo sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ và dễ dự đoán của môi trường pháp lý, vô hình trung làm khó cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.