Đây là lĩnh vực trỗi dậy mạnh mẽ nhờ nhu cầu bức thiết và khả năng ứng dụng sâu rộng trong các ngành then chốt như y học, nông nghiệp, năng lượng và bảo vệ môi trường.
Cơ hội mang tính bước ngoặt
Trong bức tranh ấy, Việt Nam với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng sinh học cao và lực lượng lao động trẻ dồi dào, đang đứng trước cơ hội mang tính bước ngoặt để phát triển ngành công nghệ sinh học theo định hướng bền vững. Trên bình diện toàn cầu, công nghệ sinh học đang phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa kết hợp với cá thể hóa, mở ra không chỉ tiềm năng kinh tế mà còn là nền tảng cho đổi mới sáng tạo sâu rộng trong tương lai.
Một trong những hướng phát triển đột phá là y học cá thể hóa (precision medicine), nơi các liệu pháp điều trị được thiết kế dựa trên bộ gen riêng của từng bệnh nhân. Nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ giải mã hệ gen, chi phí giải trình tự DNA đã giảm mạnh từ mức khoảng 3 tỷ USD vào năm 2003 xuống chỉ còn khoảng 600 USD hiện nay, đánh dấu một bước ngoặt mang tính cách mạng trong lĩnh vực sinh học phân tử và y học chính xác, tạo điều kiện để y học di truyền trở thành phổ cập, thay vì chỉ dành cho nghiên cứu.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp chính xác cũng chứng kiến những ứng dụng ngày càng rộng rãi của công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu, từ đó giảm phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất nông nghiệp độc hại. Công nghệ sinh học môi trường đang được ứng dụng để xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn thông qua enzyme và vi sinh vật, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, nơi tài nguyên được tái sử dụng tối đa và ô nhiễm được kiểm soát từ nguồn. Ngoài ra, công nghệ sinh học năng lượng đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nhiên liệu sinh học từ rơm rạ, mùn cưa, tảo và các nguồn sinh khối khác, góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ước tính của Tổ chức Global Market Insights, quy mô thị trường công nghệ sinh học toàn cầu đã đạt 752,88 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ vượt mốc 2.100 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) lên tới 12%. Điều này phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ sinh học trong cấu trúc kinh tế mới và định hình các ngành công nghiệp tương lai.
![]() |
Phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt để bảo đảm năng lực nội sinh quốc gia. (Ảnh THẾ ĐẠI) |
Những trụ cột của chiến lược phát triển
Đối với Việt Nam, công nghệ sinh học đã được xác định là một trong những ngành khoa học công nghệ mũi nhọn. Trong đó, chiến lược phát triển công nghệ sinh học quốc gia đã được phác thảo theo bốn trụ cột: hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng.
Trước hết, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là điều kiện tiên quyết nhằm tháo gỡ rào cản thể chế cho doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ. Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành cần được sửa đổi để phù hợp hơn với đặc thù của công nghệ sinh học – lĩnh vực mà sự đổi mới sáng tạo đòi hỏi tính linh hoạt cao, tốc độ nhanh và độ rủi ro nhất định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thiết lập các khung pháp lý cho phép thử nghiệm công nghệ mới theo nguyên tắc “sandbox” (hay còn gọi là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đã giúp nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt để bảo đảm năng lực nội sinh của quốc gia. Đào tạo nhân lực công nghệ sinh học cần chuyển dịch mạnh từ lý thuyết sang thực hành, từ nghiên cứu cơ bản sang định hướng ứng dụng. Thí dụ, tại Hàn Quốc, chương trình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học được tích hợp trực tiếp với các “Bio Clusters” (cụm ngành sinh học) tại Daejeon, Osong và Incheon, nơi tập trung các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sinh học hàng đầu. Sinh viên sau đại học được tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển vaccine, dược phẩm sinh học và thiết bị y sinh ngay trong quá trình học tập, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động.
Thứ ba, trong một thế giới kết nối toàn cầu, Việt Nam không thể phát triển công nghệ sinh học một cách đơn độc. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư mạo hiểm và xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu là điều kiện cần để phát triển nhanh và hiệu quả.
Singapore đã thu hút thành công nhiều tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu như Novartis, GlaxoSmithKline và Thermo Fisher Scientific thiết lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhờ chính sách ưu đãi thuế, đầu tư mạnh vào hạ tầng khoa học và thúc đẩy liên kết viện-trường-doanh nghiệp. Điều đó cho thấy các chính sách xúc tiến đầu tư vào công nghệ sinh học tại Việt Nam cũng cần được cải thiện theo hướng chủ động, minh bạch và mang tính cạnh tranh toàn cầu để mời gọi các tập đoàn lớn đến đặt trung tâm R&D tại Việt Nam.
Cuối cùng, chúng ta cần ưu tiên đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học trọng điểm. Việc hình thành các cụm công nghiệp sinh học ứng dụng công nghệ cao, kết nối viện nghiên cứu với doanh nghiệp, sẽ tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các sản phẩm sinh học.
Chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đột phá
Tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh rằng, khoa học công nghệ có vai trò "đột phá quan trọng hàng đầu", "động lực chính" để cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới và đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh tồn tại nhiều thách thức lớn, đây đồng thời cũng là "cơ hội vàng" để Việt Nam bứt phá.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ. Lĩnh vực này không chỉ mang đến động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Phát huy tinh thần ấy, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng các nhà khoa học cần chung sức, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đột phá: tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch để "cởi trói" cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học; tăng cường vai trò của tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu cơ bản tiến tới làm chủ các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế; đẩy mạnh ngoại giao khoa học, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
- Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới đã đặt mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, đóng góp 7% vào GDP đến năm 2030 và khoảng 10-15% vào GDPđến năm 2045.
- Nhà vật lý lỗi lạc Freeman Dyson từng khẳng định: “Nếu thế kỷ 20 là thời đại huy hoàng của vật lý, thì thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của sinh học”.