Khoảng trống pháp lý trong quản lý quỹ bảo trì chung cư

Từ những khu chung cư bình dân đến cao cấp, quỹ bảo trì chung cư (được hình thành từ 2% giá trị căn hộ) lẽ ra phải là công cụ hữu hiệu để duy tu, bảo dưỡng tài sản của cư dân, nay lại đang dần trở thành “chiếc bánh” hấp dẫn để Ban quản trị trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Một chung cư trên địa bàn Quận 7.
Một chung cư trên địa bàn Quận 7.

Không ít người tìm cách chen chân vào Ban quản trị không phải vì trách nhiệm với cộng đồng, mà là để nhắm đến món lợi âm thầm nhưng béo bở này.

Thực tế cho thấy, đã có hàng loạt vụ việc liên quan đến tiêu cực, sai phạm trong quản lý quỹ bảo trì chung cư: Từ việc hai thành viên Ban quản trị chung cư Golden Mansion (quận Phú Nhuận) bị bắt vì chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng, đến việc cựu trưởng và phó Ban quản trị chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng; nghiêm trọng không kém, Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á (huyện Bình Chánh) bị xử phạt tới 119 tỷ đồng do không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng nghìn giao dịch thu từ cư dân.

Những vụ việc nêu trên phản ánh rõ một thực trạng đáng lo ngại: Quỹ bảo trì đang trở thành “miếng mồi” béo bở để trục lợi, trong khi pháp luật và cơ chế giám sát vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Nguyên nhân nằm ở chính cấu trúc của Ban quản trị, một tổ chức đại diện cư dân, có tài khoản, có con dấu, nhưng không có tư cách pháp nhân. Khi thu, chi tiền tỷ nhưng không rõ tư cách, không có chế tài rõ ràng về quản lý tài chính. Tương tự, các đơn vị vận hành hay các công ty dịch vụ thu tiền hằng tháng từ cư dân nhưng lại xuất hóa đơn cho Ban quản trị, tạo ra những lỗ hổng, thiếu tính minh bạch trong việc thu, chi này.

Tuy nhiên, nếu đổ lỗi cho Ban quản trị hay đơn vị vận hành là chưa đủ. Một mảnh đất màu mỡ chỉ bị cày xới khi không ai bảo vệ. Và đáng buồn, không ít cư dân lại là những người “bỏ mặc” quyền giám sát của chính mình. Có người không dự họp, không quan tâm đến các khoản thu, chi, thậm chí ủy quyền tràn lan, dẫn đến việc một số cá nhân gom phiếu, thao túng cả bộ máy Ban quản trị vì động cơ cá nhân. Cũng chính vì vậy, khi sự cố xảy ra, nhiều người mới giật mình vì không biết tiền đã đi đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Có trường hợp cư dân mua căn hộ nhỏ rồi được ủy quyền đại trà để chiếm đa số, giành ghế trong Ban quản trị và dễ dàng hợp thức hóa những khoản chi mập mờ.

Rõ ràng, vấn đề không chỉ nằm ở đạo đức của một vài cá nhân mà là khoảng trống cơ chế, thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Thông tư 05/2024/TT-BXD để tăng thẩm quyền cho hội nghị nhà chung cư, kiểm soát chặt việc bầu Ban quản trị, và hạn chế các hành vi thao túng. Ông cũng đề xuất để chủ đầu tư giữ quỹ bảo trì trong tài khoản riêng dưới sự giám sát chặt chẽ, thay vì giao hết cho Ban quản trị. Một kiến nghị khác cần được xem xét nghiêm túc đó là, xác lập rõ vai trò pháp lý của Ban quản trị, nếu đã cho phép thu tiền, ký hợp đồng, quản lý tài khoản… thì cần có quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, và chế tài xử lý khi có sai phạm. Đồng thời, các quy định về thuế cũng cần hài hòa với Luật Nhà ở để tránh tình trạng “mập mờ trách nhiệm”, cư dân nộp tiền nhưng không có hóa đơn, hoặc bị buộc nộp thuế hai lần.

Bài toán quản lý nhà chung cư, nhất là quỹ bảo trì, không thể chỉ trông chờ vào thiện chí hay kinh nghiệm, mà cần có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đồng bộ và đủ sức răn đe. Và trên hết, cần đánh thức tinh thần công dân của cư dân, những người vừa là chủ thể hưởng lợi, vừa là người gánh chịu hậu quả nếu mất cảnh giác. Chung cư là tài sản chung, quản lý minh bạch không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà là điều kiện tiên quyết để xây dựng một cộng đồng văn minh, ổn định và đáng tin cậy.