Theo thống kê, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.165 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 1.882 nhà vệ sinh ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trụ sở, cơ quan, số còn lại khoảng 280 nhà vệ sinh ở khu vực công cộng như công viên, vỉa hè, bến xe... Nhìn vào thực tế, 90% số nhà vệ sinh nằm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trụ sở công là những nơi thuận tiện để khách dừng chân thì không đáng ngại, còn 10% số nhà vệ sinh còn lại nằm ở khu vực “công cộng” quả là một hạn chế lớn để khách vãng lai có thể tiếp cận.
Khảo sát của địa phương cũng cho thấy, phần nhiều nhà vệ sinh công cộng đều trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, chưa đạt chuẩn hay không có người vận hành, hiệu quả khai thác, sử dụng rất thấp. Mặt khác, nhà vệ sinh công cộng trên thực tế chỉ co cụm ở khu vực các quận: 1, 3, 5, 10, còn các quận, huyện nằm xa khu vực trung tâm lại rất ít, chưa được đầu tư. Để tiếp cận nhà vệ sinh công cộng, du khách và người dân phải vất vả tìm kiếm địa điểm hoặc giải quyết “nhu cầu” ở những cửa hàng, quán cà-phê hoặc trung tâm thương mại.
Một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: Khi đưa những đoàn khách đi tham quan xa chúng tôi phải tính toán trước lộ trình; trong đó, chắc chắn phải ghé các bảo tàng, điểm tham quan để khách “giải tỏa”. Bản thân du khách cũng phản hồi, hiếm thấy những nhà vệ sinh công cộng “đúng chuẩn”, tiện nghi để phục vụ du khách trong hành trình tham quan, lưu trú tại thành phố. Theo đề án cải thiện nhà vệ sinh công cộng giai đoạn 2024-2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến hết quý III/2025, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành xây mới 172 nhà vệ sinh công cộng; đồng thời, vận động 500 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại mỗi quận, huyện đồng ý cho khách dùng nhà vệ sinh.
Đến hết quý IV/2025, thành phố tiếp tục vận hành, bảo dưỡng định kỳ các nhà vệ sinh công cộng; vận động 600 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại mỗi quận, huyện cho dùng nhà vệ sinh và tiếp tục tìm kiếm các vị trí phù hợp khác để đầu tư mới nhà vệ sinh công cộng. Thực tế, chủ trương vận động cơ sở kinh doanh cho khách sử dụng nhà vệ sinh là hành động ý nghĩa, cởi mở, thể hiện tấm lòng hiếu khách được nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đồng thuận ủng hộ, cho nên kết quả đạt được rất khích lệ. Tuy nhiên, nhà vệ sinh công cộng do chính quyền địa phương đầu tư lại rất ít, tiến độ thực hiện rất chậm, mới chỉ dừng lại chủ trương kêu gọi xã hội hóa mà thiếu định hướng quy hoạch, đầu tư thật sự từ nguồn ngân sách. Vì vậy, để đề án đầu tư xây mới nhà vệ sinh công cộng sớm triển khai, chính quyền thành phố cần coi việc xây dựng nhà vệ sinh cũng thiết yếu như các công trình dân sinh (trường học, công viên, nhà sinh hoạt cộng đồng) thì mới giải tỏa được thực trạng bức xúc như hiện nay.
Theo các chuyên gia đô thị, việc dễ làm và có thể làm ngay là lắp đặt các nhà vệ sinh có kết cấu gọn, dạng lắp ghép không tốn quá nhiều chi phí tại các khu đất công chưa sử dụng như thành phố đã làm thí điểm ở một số khu đất có vị trí ở khu vực trung tâm. Lâu dài, các địa phương cần ưu tiên bố trí một phần diện tích ở các khu vực công cộng như công viên nội khu, điểm giữ xe, dạ cầu... để xây dựng nhà vệ sinh. Làm sao để câu chuyện “tế nhị” này được quan tâm một cách nghiêm túc, góp phần loại bỏ những e ngại của du khách khi đến thành phố tham quan, vui chơi, du lịch...