Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, hoạt động này đã được các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện với nhiều sáng kiến, đổi mới.
0:00 / 0:00
0:00
Tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN). (Ảnh CTV)
Tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN). (Ảnh CTV)

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa như kỳ vọng, thành phố vẫn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao hàng đầu cả nước. Năm 2024 xảy ra hơn 900 vụ tai nạn lao động, trong đó 892 vụ tại các cơ sở, doanh nghiệp có trụ sở và hoạt động trên địa bàn thành phố; 11 vụ tại các doanh nghiệp có trụ sở ở các tỉnh, thành phố khác nhưng hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong các vụ tai nạn lao động gây chết người, tai nạn lao động ở lĩnh vực thi công xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất với 23 vụ, chiếm hơn 41%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do ý thức tuân thủ các quy định pháp luật liên quan của người lao động và chủ sử dụng lao động còn hạn chế; điều kiện lao động “thiếu trước hụt sau”, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện về nguyên tắc an toàn, vệ sinh, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, tác phong lao động còn nghiệp dư. Chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý chức năng ở một số nơi quan tâm chưa đúng mức, chưa dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Thực tế cũng cho thấy, phần lớn tai nạn lao động xảy ra ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có số lao động ít (dưới 100 người). Ở các doanh nghiệp này, không chỉ cán bộ công đoàn mà lực lượng chuyên trách cũng hạn chế về năng lực, thiếu chủ động trong việc nhận diện, đánh giá và phòng ngừa đầy đủ những nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động cũng như yếu kém trong công tác sơ, cấp cứu tại chỗ khi tai nạn lao động xảy ra.

Rõ ràng, tai nạn lao động để lại hậu quả nặng nề, khiến người lao động mất đi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng, mất cơ hội phấn đấu, việc làm… Tai nạn cũng gây tổn thất lớn đối với cả doanh nghiệp (người sử dụng lao động). An toàn lao động là để bảo vệ sức khỏe của người lao động, bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp, tiền đề để doanh nghiệp tăng năng suất lao động và phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, để có thể tạo dựng được môi trường làm việc an toàn, cần loại trừ được các mối nguy cơ.

Trước hết, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về nhận diện nguy cơ, rủi ro, quản lý an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn; cần chủ động đánh giá, quản lý và phòng ngừa nguy cơ hiệu quả hơn; trong đó, cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng các chỉ số, bộ chỉ số đánh giá an toàn, vệ sinh lao động cụ thể, sát thực tế và mang tính dự báo tốt hơn. Doanh nghiệp cần chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo những kỹ năng, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cần thiết lập cơ chế phối hợp ba bên chặt chẽ, rõ ràng; phân định trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về nguy cơ, rủi ro tại doanh nghiệp để thuận lợi cho việc theo dõi, cảnh báo, chia sẻ kinh nghiệm. Cần đổi mới công tác tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động theo hướng đi vào những tình huống cụ thể và cách ứng phó; qua đó giúp người lao động nhận ra, biết cách xử lý khi phát hiện nguy cơ ■