Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng, cũng giống như xe buýt từ những năm 2000 có tiêu chí “xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy” thì slogan của Hà Nội Metro sẽ là “Metro nhanh hơn xe máy và rẻ hơn Grab”. Hiện, UBND thành phố Hà Nội cũng đã công bố giá vé tuyến đường sắt đô thị 2A thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng. Một tuyến ĐSĐT chưa giải quyết được gì nhiều nhưng đánh dấu mở đầu phương thức giao thông công cộng mới và giữ vai trò chủ đạo trong tương lai của Hà Nội. Một tuyến ĐSĐT sẽ chỉ là… “ngôi sao cô đơn”, để phát huy hiệu quả phải kết nối ĐSĐT với các loại hình vận tải khác như: taxi, buýt, xe máy… Các phương tiện này phải là “anh em một nhà” cung cấp những dịch vụ tối ưu và cần thiết cho người dân, đồng thời hạn chế xe cá nhân.
Hiện tại, Hà Nội có 34 tuyến xe buýt đang vận hành kết nối dọc - ngang với tuyến ĐSĐT 2A. Trên cơ sở đó, mới đây, Sở GTVT đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội phương án kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt với tuyến ĐSĐT số 2A, trong đó đưa ra ba kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí), giữ nguyên các tuyến buýt để bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian đầu vận hành thương mại. Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí sẽ dần điều chỉnh bốn tuyến buýt trùng lộ trình ĐSĐT (số 02, 21, 27, 33); đồng thời điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang. Kịch bản thứ ba, khi đoàn tàu gặp sự cố, Hà Nội sẽ lập tức điều chỉnh các tuyến buýt để tăng cường giải tỏa hành khách cho đến khi đoàn tàu hoạt động trở lại bình thường.
Mặt khác, Sở GTVT cũng thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển chín điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ĐSĐT 2A. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400 m, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tăng lên 50 tuyến (tăng bảy tuyến).
Với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, năng lực vận chuyển của hệ thống VTHKCC tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ Bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở) tăng từ 3-4 lần so hiện nay đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. Đặc biệt, năng lực trung chuyển của hệ thống xe buýt với tuyến ĐSĐT 2A bảo đảm cung ứng, giải tỏa khách tối ưu nhất cho tuyến ĐSĐT 2A với năng lực trung chuyển từ 313.000 khách đến 344.000 khách/ngày, trong đó kết nối tại các ga đầu cuối khoảng 140.000 khách/ngày, kết nối ngang khoảng 203.000 khách/ngày.
“Xe buýt được điều chỉnh giảm lượt xe hoạt động, hành khách đang sử dụng xe buýt hiện nay sẽ trung chuyển sang sử dụng ĐSĐT 2A. Đặc biệt với trục đường Nguyễn Trãi, Quang Trung - Trần Phú (Hà Đông) lưu lượng xe buýt sẽ giảm từ 30-45%”, lãnh đạo Sở GTVT thành phố Hà Nội cho hay.
Ngoài ra, phía Sở GTVT cũng nhấn mạnh, mức độ tiếp cận của người dân đối với VTHKCC được thuận tiện hơn khi hạn chế về việc trễ giờ cũng như bỏ lượt. Với hệ thống đường riêng biệt, tốc độ khai thác cao, thời gian chuyến đi của hành khách sẽ giảm xuống. Trường hợp hành khách đi bằng ĐSĐT 2A (không chuyển tuyến), thời gian chuyến đi sẽ giảm khoảng 50%; trường hợp hành khách đi ĐSĐT 2A và chuyển tuyến đi xe buýt, thời gian chuyến đi dự kiến giảm từ 30-40%.
Trong thời gian đầu, Sở GTVT thành phố Hà Nội dự báo, khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng ĐSĐT 2A, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến. Đặc biệt, khi nhận thấy sự thuận tiện của ĐSĐT, người dân sẽ dần hình thành thói quen đi xe buýt đến các nhà ga để trung chuyển, từ đó kéo theo lưu lượng xe taxi, Grab... hoạt động dọc lộ trình tuyến ĐSĐT 2A cũng sẽ dần giảm theo.
Tuy nhiên, dù nhiều năm chờ đợi nhưng đến nay, dự án ĐSĐT 2A vẫn chưa thể vận hành, khai thác như đúng chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Lý giải về việc chậm trễ này, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định, DA đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi Liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Sau đó, dự án còn được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối. Tuy nhiên, tổng thầu Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, chậm trễ hoàn thành một số hạng mục, thủ tục. Bởi vậy cho đến nay, dự án vẫn chưa được đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu để bàn giao lại cho Hà Nội vận hành!