Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Quy định khoán chi xây dựng pháp luật gấp ít nhất từ 3-5 lần định mức hiện tại
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Dự thảo nghị quyết gồm 12 Điều quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định, ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ nguồn ngân sách không chỉ để bảo đảm chi cho xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế mà còn bảo đảm chi cho những lĩnh vực, nội dung quan trọng, thiết yếu, cơ bản của công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
![]() |
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Quy định này nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đáp ứng cao nhất yêu của thực tiễn phát triển về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, để xây dựng pháp luật thực sự là “đột phá của đột phá”, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; gắn với quyền chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc về áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, về định mức chi vượt trội quy định tại nghị quyết và theo quy định của Chính phủ (ít nhất gấp từ 3-5 lần so định mức hiện tại); bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết.

Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho hay, Dự thảo nghị quyết quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được Nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5% Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm minh bạch, công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách; bảo đảm bảo vệ bí mật Nhà nước, quy định về quản lý hoạt động đối ngoại.
Liên quan quy định về bảo đảm chế độ hỗ trợ cho nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, dự thảo nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật.
Về bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo nghị quyết quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Bảo đảm quy định đúng, trúng, đầy đủ các đối tượng
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết với cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban nhận thấy dự thảo nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan tán thành với quy định của dự thảo nghị quyết về: ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, bảo đảm mức, định mức chi gắn với khoán chi cho công tác xây dựng pháp luật và việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, vì các chính sách lớn này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và đều đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với quy định về chế độ hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 7 của dự thảo nghị quyết để thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW và Kết luận số 119-KL/TW; đồng thời, nhận thấy chính sách hỗ trợ hằng tháng không chỉ đơn thuần là việc tăng thu nhập, tạo động lực, khuyến khích cống hiến, mà còn để xác định rõ trách nhiệm, tính liêm chính, yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức này trong thực thi công vụ, là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và ổn định nguồn nhân lực này trong dài hạn.
Về đối tượng cụ thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay, dự thảo nghị quyết đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để rà soát, chỉnh lý; đồng thời, thống nhất việc quy định cụ thể trong nghị quyết những đối tượng đã rõ, có sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các cơ quan về việc bảo đảm hội đủ các tiêu chí được xác định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW là “trực tiếp, thường xuyên”, “làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật” và “tại một số cơ quan, đơn vị”.
Đối với các trường hợp khác được một số cơ quan, đơn vị đề xuất nhưng chưa có sự thống nhất cao thì tiếp tục xem xét, làm rõ để báo cáo các cơ quan được giao thẩm quyền quy định bổ sung xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường để hoàn thiện nội dung này, bảo đảm bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 66-NQ/TW để quy định đúng, trúng, đầy đủ các đối tượng trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.