Hóa giải nghịch lý khát vốn:

Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính

Việc khó tiếp cận về nguồn vốn là rào cản khiến doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, khó có thể “cất cánh” như kỳ vọng. Để nắn dòng vốn chảy vào sản xuất, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện có đến 20% tổng lượng tín dụng đổ vào bất động sản, trong khi doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực then chốt như: nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn “khát vốn”.
Hiện có đến 20% tổng lượng tín dụng đổ vào bất động sản, trong khi doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực then chốt như: nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn “khát vốn”.

Dòng chảy vốn đang bị đi lệch?

Là một người tâm huyết với việc phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu bản địa, TSKH Kim Ngọc Quang - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kim Hoàng luôn đau đáu với các dự án chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương. Nhưng muốn triển khai được, đòi hỏi phải có nguồn vốn, đây là điều luôn khiến ông Quang phải đau đầu. Nhiều năm nay, để có nguồn vốn phát triển dự án, công ty phải thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng thương mại, với lãi suất cho vay dao động khoảng 9%/năm, tùy từng thời điểm, có lúc lên đến 10-11%/năm khi lãi suất thả nổi. Vay được vốn đã khó, nhưng nếu có vay được thì với thời gian cho vay quá ngắn, doanh nghiệp cũng khó trong đầu tư dài hạn. Thực tế, doanh nghiệp không thiếu tiền nhưng không thể “cấu véo vốn từ chỗ này bỏ qua chỗ khác” vì như thế sẽ phá vỡ nguyên tắc tài chính, vị tổng giám đốc chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng, tương đương gần 7 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, hiện có đến 20% tín dụng đổ vào bất động sản, và một tỷ lệ tương đương cho lĩnh vực tiêu dùng. Vậy nên, các doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực then chốt như: nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn “khát vốn” là điều dễ hiểu. Đáng nói, có đến 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trả lời khảo sát cho biết, họ gặp trở ngại khi vay vốn, do không có tài sản bảo đảm hoặc không đủ tiêu chuẩn hồ sơ tài chính.

Không chỉ vướng ở kênh vốn tín dụng, khu vực kinh tế tư nhân cũng chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cơ cấu dòng tín dụng hiện nay đang lệch pha với nhu cầu phát triển.

Chia sẻ quan điểm này, PGS, TS Nghiêm Thị Thà, Tổng Thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) thẳng thắn chỉ ra, điểm nghẽn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân xuất phát từ việc hệ thống pháp lý thiếu đồng bộ, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn, thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính.

Chấm dứt tình trạng “có tiền mà không tiêu được”

Giới phân tích đánh giá, cấu trúc tài chính của Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào bất động sản, mà “bóp nghẹt” các doanh nghiệp sản xuất và làm lệch lạc ưu tiên phát triển của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân không đủ nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, điều đó dẫn đến nguy cơ không tạo dựng được nền tảng cho một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và bền vững.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ rất kịp thời, song các doanh nghiệp không hấp thụ được chính sách, dẫn đến việc giải ngân các gói hỗ trợ thấp, không hiệu quả.

Trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, các chuyên gia thống nhất quan điểm, việc khơi thông các dòng vốn cho khu vực kinh tế này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển nền kinh tế. Tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… Tới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tư về nguồn vốn để cụ thể hóa.

Bàn sâu vào giải pháp, PGS, TS Nghiêm Thị Thà nhấn mạnh, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính, thông qua việc xây dựng luật, nghị định riêng về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, cần thiết thành lập, phát triển các kênh huy động vốn đa dạng hơn, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư tư nhân theo mô hình hợp tác đối ứng giữa nguồn vốn công và tư (PPP). Các nhà đầu tư tư nhân cần được trao cơ hội tham gia các công trình, dự án có vốn đầu tư công.

Dẫn chứng thực tế tại Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, bà Thà khẳng định, nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng, PPP hoàn toàn có thể thành công, và sẽ tác động tích cực, khơi thông dòng vốn đầu tư công - một kênh điều vốn quan trọng của dòng vốn quốc gia.

Đây cũng là trăn trở của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi mà “cả đất nước đang sống trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử với tinh thần thần tốc, táo bạo hơn nữa. Những lĩnh vực đầu tư công lại không thần tốc, lại đang ì ạch”. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 mới đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, không thể “chỉ khoanh tay ngồi chờ” mà cần phải xem thể chế còn vướng mắc gì thì tiếp tục đề xuất sửa đổi; đặc biệt, cần suy nghĩ về vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong triển khai hợp tác công tư.

Nhìn dài hạn, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, khuyến nghị: Bên cạnh việc tháo gỡ các rào cản về vốn, giải pháp mang tính nền tảng chính là xây dựng một môi trường thể chế minh bạch, bình đẳng - nơi doanh nghiệp có thể phát triển bền vững dựa trên chính năng lực nội tại của mình. Nếu không, ngay cả khi dòng vốn được khơi thông, doanh nghiệp cũng khó có thể phát huy tối đa năng lực và sức cạnh tranh của mình.

Một trong những điểm nổi bật của dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội xem xét chính là, quyền quyết định cho vay không tài sản, lãi suất đặc biệt 0% một năm, có thể được chuyển từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước. Điều này nhằm triệt để phân cấp, phân quyền, giảm bớt khâu trung gian, từ đó rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm việc thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống tín dụng.