Nhìn vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ chín của Quốc hội, vừa khai mạc ngày 5/5/2025, có thể thấy rõ mục tiêu thể chế hóa những định hướng này với việc thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua hàng chục đạo luật, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, các luật, nghị quyết phục vụ quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính… Hệ thống pháp luật được sửa đổi một cách kết nối và nhất quán, tránh tình trạng sửa đổi cục bộ, nhanh chóng lạc hậu hoặc “cong vênh” với các quy phạm pháp luật khác.
Để công tác xây dựng luật được đổi mới bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW, cần xem việc đầu tư nguồn lực xuyên suốt cả ba giai đoạn chính của quá trình lập pháp (xây dựng chính sách, làm luật và tổ chức thi hành pháp luật) là đầu tư chiến lược cho nền tảng phát triển quốc gia.
Yếu tố đầu tiên chính là nguồn nhân lực lập pháp chất lượng cao. Tiếp đó, cần đầu tư thỏa đáng về tài chính và kỹ thuật cho toàn bộ quy trình lập pháp; tận dụng tối đa ưu thế công nghệ số để khai thác hạ tầng dữ liệu pháp lý, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ soạn thảo và thẩm định văn bản, cũng như thiết lập hệ thống theo dõi thi hành pháp luật theo thời gian thực. Và nguồn lực thể chế cũng như tổ chức có thể xem là “chân kiềng” thứ ba. Bộ máy pháp chế trong các cơ quan nhà nước cần được kiện toàn để thực hiện hiệu quả các chức năng tham mưu, thẩm định và giám sát pháp luật.
Đặt trên chiếc kiềng vững chãi đó, pháp luật sẽ trở thành công cụ kiến tạo phát triển và bảo đảm kỷ cương trong kỷ nguyên mới.
Cũng cần nói thêm, ở mức độ cụ thể hơn, kỹ thuật lập pháp cần tiếp tục được hoàn thiện. Một quy trình làm luật chuẩn mực, minh bạch và dựa trên bằng chứng ở tất cả các khâu trong chu trình lập pháp cần được chuẩn hóa. Pháp luật cần được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ thực thi bằng một ngôn ngữ pháp lý gần gũi. Đồng thời tăng cường công tác hỗ trợ phổ biến pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý cho mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đối tượng yếu thế.
Cuối cùng, phải thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đánh giá hậu kiểm. Có thể giao trách nhiệm rõ ràng cho Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội hoặc Kiểm toán Nhà nước định kỳ rà soát các đạo luật đã ban hành. Tại một số quốc gia như Hàn Quốc hay Đức có cơ chế “sunset law” - luật hết hiệu lực nếu sau một thời gian không được rà soát, cập nhật. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng!