- Là một doanh nhân nhưng điều gì dẫn ông đến với việc giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và rồi được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?
- Từ thực tế thôi. Tôi đã học được rất nhiều bài học từ phương pháp suy luận và hành động của Ông Cụ. Và thành công của tôi dù còn khiêm tốn, phần nhiều cũng là nhờ áp dụng những bài học ấy vào thực tế công việc và cuộc sống!
- Ở thời điểm nào, ông phát hiện ra tính thực tế của Tư tưởng Hồ Chí Minh?
- Đầu năm 2002, tôi là một doanh nhân “bất đắc dĩ”, khi đó phải dẫn dắt FPTSoftware, sang khai phá thị trường Mỹ. Nhưng thất bại. Mọi thứ đều bế tắc. Lang thang hiệu sách và tình cờ mua được cuốn sách “HoChiMinh A life - Hồ Chí Minh Một cuộc đời” của nhà sử học Mỹ William Duiker. Đọc một mạch 600 trang sách và chợt nhận ra, hoàn cảnh của chúng tôi tuy bi đát, nhưng có là gì so với Ông Cụ và các bậc tiền bối, ít nhất là cũng không nguy hiểm đến tính mạng (cười). Nhờ các tư liệu đầy đủ và sắp xếp một cách logic trong cuốn sách, tư tưởng của Hồ Chí Minh trở nên cụ thể và rõ ràng, chỉ cho chúng tôi thấy con đường phải đi, như ngôi sao trong đêm tối khiến những người đi rừng nhìn lên vẫn biết hướng đi. Trên chặng đường ấy, có thể sẽ sa chân xuống hố nhưng vững tin rằng đi rồi sẽ đến. Càng tìm hiểu, càng đọc kỹ hơn về Ông Cụ thì chúng tôi càng phát hiện ra nhiều bài học quý giá, thiết thực mà lại dễ áp dụng.
- Và từ đọc sách rồi áp dụng cho mình, ông trở thành người đưa phương pháp Hồ Chí Minh đến với những người trẻ?
- Như một sự tình cờ, năm 2020 tôi nhận lời tham gia giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho Đại học VinUni. Mục tiêu làm sao các sinh viên sau khi học thấy yêu và muốn đóng góp cho đất nước mình. Nội dung thì chắc chắn là bổ ích rồi. Nhưng làm sao phải hấp dẫn. Chúng tôi đã thay đổi cách giảng dạy, chỉ đặt các câu hỏi và biến các bạn sinh viên thành chủ thể chủ động đi tìm câu trả lời. Năm năm qua, thầy trò chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Hôm nào cũng trình bày và tranh luận. Buổi học 120 phút hiếm khi kết thúc sau 3 tiếng. Chúng tôi gần như “kiệt sức” nhưng hầu như không ai bỏ cuộc, để đến cuối môn học, mới chợt nhận ra là mình đã trưởng thành rất nhiều. Tôi rất vui vì phần nào đưa được phương pháp Hồ Chí Minh đến cho các em. Hy vọng, sau này khi ra đời, đối mặt với các thách thức lớn, các em đỡ bỡ ngỡ hơn chúng tôi.
- Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân. Vậy, theo ông, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể vận dụng những bài học nào của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới?
- Như đã nhắc đến ở trên, tôi đã dịch cuốn “HoChiMinh A life” của William Duiker ra tiếng Việt để chia sẻ với anh em. Chúng tôi đã cùng nhau học và áp dụng rất nhiều bài học từ cuốn sách đó vào hành trình “thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới” ở FPTSoftware. Và dù chỉ mới luyện được 1/1.000 thành công lực đã có thể có được một số thành tựu đáng kể. Bài học thu nhận được thì nhiều lắm, tôi cố gắng tóm tắt lại ba điều sau:
1/ Xác định Mục tiêu Nhất quán - Dễ hiểu - mà không Tầm thường.
Bất kỳ trong tình huống bất ngờ, khó khăn đến đâu, vẫn phải trả lời được câu “tại sao bạn phải làm việc này” một cách nhất quán, dễ hiểu mà lại không tầm thường.
Ở Paris, cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn khẳng định với người Pháp “Tôi chỉ muốn Người Việt Nam được hưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái như người Pháp”. Năm 1941 về nước, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Bất cứ ai mong muốn độc lập cho Việt Nam, hãy tham gia Việt Minh”. Lúc đánh Mỹ thống nhất đất nước, Cụ viết: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy hoàn cảnh từng giai đoạn khác nhau nhưng Hồ Chí Minh luôn kiên định với mục tiêu đã chọn và lý giải rất ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Mọi quyết định, việc làm của Cụ đều vì một mục tiêu chung đó.
2/ Tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân!
Ngày 20/6/1940, khi yêu cầu các đồng chí rời Quế Lâm trở về Việt Nam, nhiều đồng chí đã lo ngại, chúng ta còn quá yếu, không có vũ khí, về bây giờ thì làm sao có thể đối chọi với thực dân Pháp. Hồ Chí Minh đã trả lời: “Vũ khí không phải là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ tìm ra vũ khí”. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” chính là tư tưởng mà Hồ Chí Minh theo đuổi. Chúng ta hãy tin và động viên ủng hộ nhân viên của mình. Nếu được thách thức và tin tưởng, họ sẽ không làm chúng ta thất vọng.
3/ Học và hành
Học và hành có một mối quan hệ hữu cơ khó tách rời, được Hồ Chí Minh tổng kết như sau:
Thực hành sinh ra hiểu biết
Hiểu biết tiến tới lý luận
Lý luận lãnh đạo thực hành.
Phải lăn vào đời để có kinh nghiệm. Nhưng phải có lý luận để thoát khỏi bẫy kinh nghiệm, tiến tới xây dựng một sự nghiệp lớn hơn.
Hồ Chí Minh đã trả lời: “Tôi không học đại học, nhưng cuộc đời đã dạy tôi. Từ lịch sử, quân sự đến triết học” với phóng viên Mỹ năm 1945 hay phát biểu trước nhân dân năm 1961: “Tôi năm nay 71 tuổi, hôm nào cũng học thêm cái mới, việc lớn việc nhỏ vẫn phải làm”. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực, có rất nhiều biến động. Muốn tận dụng lợi thế của người đi sau chúng ta phải hành động thật nhanh. Khi gặp vấn đề mới, đừng học vội mà nhận ngay làm, pilot, nhỏ, gọn, làm thật nhanh, đánh lấy kinh nghiệm, rồi đúc kết, tổ chức, hệ thống lại, để tiến tới các dự án to lớn hơn. (cười)
![]() |
Tiến sĩ toán học Nguyễn Thành Nam và tác giả. |
- Ngoài việc chia sẻ những bài học rút ra từ Tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng vào kinh doanh và quản lý thông qua series podcast “Làm giàu kiểu Cụ Hồ”. Được biết ông đang viết một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể chia sẻ về cuốn sách này không?
- Cuốn sách có tên là “Chuyện với Thanh”. Mục đích của cuốn sách là tìm lại những bài học từ lịch sử mà còn giá trị đến ngày nay. Sách dự kiến chia thành năm phần, mỗi phần lý giải một triết lý của Hồ Chí Minh.
Rất nhiều khi, bí quyết mở con đường mới, con đường dẫn đến tương lai, đã nằm sẵn trong quá khứ. Chỉ cần chúng ta biết trân trọng và tiếp cận nó một cách khoa học.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!