Chống hàng giả Cuộc chiến cân não

Hàng loạt vụ việc thực phẩm chức năng giả và thuốc giả bị phát hiện trong khoảng thời gian ngắn, đã gây chấn động xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu.
Các lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu.

Trước thực trạng này, khi chủ trì cuộc họp chuyên đề diễn ra mới đây nhằm đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng hóa không rõ nguồn gốc trong thời gian qua, đồng thời đưa ra định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, đây là hệ quả tất yếu của sự buông lỏng trong giám sát tại nhiều địa phương.

Những con số được Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cung cấp càng cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2025, đã có hơn 34.000 vụ vi phạm được phát hiện và xử lý, trong đó có hơn 8.200 vụ liên quan đến hàng hóa cấm, 25.100 vụ gian lận thương mại và thuế, và hơn 1.100 vụ liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước từ các vụ việc này lên tới gần 4.900 tỷ đồng… Người tiêu dùng bị buộc phải sống trong thấp thỏm trước tình trạng hàng hóa trôi nổi, không minh bạch trên thị trường.

Nhìn rộng hơn, Thủ tướng nhấn mạnh, những vi phạm hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và dược phẩm không chỉ đe dọa sức khỏe người dân mà còn xói mòn niềm tin vào quản lý thị trường và hệ thống pháp lý. Thủ tướng đã chỉ rõ trong cuộc họp trên: “Tại sao cơ sở pháp lý không thiếu, có đủ cơ quan chức năng mà hàng chục tấn hàng giả vẫn lọt lưới? Trách nhiệm thuộc về ai?”.

Trên thực tế, nhiều giải pháp đã được triển khai như tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc; thúc đẩy chuyển đổi số để truy vết nguồn gốc; khởi động dự thảo luật thành lập các tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ... có mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, đối với một lĩnh vực có diễn biến ngày một phức tạp, nghiêm trọng, vấn đề cốt lõi vẫn là năng lực thực thi và trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ thực thi trong lực lượng chức năng.

Một chuyên gia chính sách thương mại bình luận, chống hàng giả không còn là vấn đề nội bộ, mà là yêu cầu sống còn cho vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc Việt Nam đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thị trường không chỉ phục vụ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ uy tín, vị thế quốc gia. Song, dường như những biện pháp truyền thống đã không đủ sức răn đe trong môi trường số hóa và thương mại xuyên biên giới. Cuộc chiến chống hàng giả giờ đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là bài toán cân não, đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc toàn diện, từ hoàn thiện hệ thống luật pháp, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng, đến củng cố hạ tầng công nghệ và vun bồi đạo đức công vụ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và thương mại mới của khu vực, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường không chỉ là yêu cầu từ bên ngoài, mà còn là bước đi chiến lược để củng cố năng lực cạnh tranh, là chìa khóa để bảo vệ lợi ích lâu dài của nền kinh tế quốc gia.