Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2025 (Vietnam-Asia DX Summit 2025):

Kỳ vọng nhiều thương hiệu công nghệ Việt vươn tầm thế giới nhờ 4 nghị quyết trụ cột

NDO -

Các doanh nghiệp công nghệ đang định hình chiến lược phát triển dựa trên bốn trụ cột, gắn liền với bốn Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu công nghệ Việt vươn tầm thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
Các khách mời tham dự phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2025.
Các khách mời tham dự phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2025.

Ngày 27/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2025 (Vietnam-Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, vươn mình”.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Làm chủ công nghệ để đột phá vươn mình

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 27-28/5, quy tụ hơn 2.500 lượt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia đến từ 22 tỉnh thành phố trên cả nước và 16 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT bắt đầu bằng cảm hứng từ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị – một bước khởi đầu quan trọng, hay có thể gọi là "bà đỡ" cho sự phát triển của doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển, khoa học công nghệ và chuyển đổi số lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay trong chiến lược phát triển quốc gia", ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VINASA: "Chúng tôi định hình chiến lược phát triển dựa trên bốn trụ cột, gắn liền với bốn Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về đổi mới hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Kỳ vọng nhiều thương hiệu công nghệ Việt vươn tầm thế giới nhờ 4 nghị quyết trụ cột ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT phát biểu.

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị thể hiện cam kết rõ ràng trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT, theo dự báo, trong 10 năm tới toàn cầu cần thêm khoảng nửa triệu kỹ sư CNTT. Đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam phát huy lợi thế dân số trẻ, đam mê công nghệ, sẵn sàng trở thành trung tâm cung cấp nhân lực công nghệ chất lượng cao cho thế giới.

Việt Nam đang trở thành trung tâm dịch vụ số quốc tế, với lực lượng lao động IT lớn, năng động, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Các tổ chức như VINASA đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp kỹ sư cho các quốc gia này – những nơi đang rất thiếu nguồn nhân lực trẻ và có năng suất lao động cao.

Trong 5 năm gần đây, điểm đầu vào đại học ngành CNTT luôn nằm trong top cao, cho thấy sức hút của ngành đối với giới trẻ. Tuy nhiên, với hơn 50.000 doanh nghiệp và khoảng 1,2 triệu lao động CNTT hiện nay, con số này vẫn còn khiêm tốn.

Theo ước tính, chúng ta cần ít nhất 2,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, làm sao để kỹ năng lập trình, khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của người Việt đứng đầu thế giới, làm sao để Việt Nam – một quốc gia thu nhập trung bình thấp, có thể vươn lên, chiếm lĩnh “khoảng trống” của thị trường toàn cầu.

Thay mặt VINASA, ông Nguyễn Văn Khoa đề xuất Chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược như AI, bán dẫn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực giáo dục tư nhân. Nếu làm tốt, lực lượng giáo dục tư nhân sẽ tạo ra kết quả vượt trội, giúp gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và đào tạo, giữa nhu cầu thị trường và năng lực nhân lực.

"Tôi mong muốn Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa những đề xuất đột phá từ doanh nghiệp. Việt Nam đã có nhiều thương hiệu lớn như Viettel, VNPT, CMC, FPT, và những "kỳ lân" như VNG, Sky Mavis, Momo, VNPAY. Trong tương lai, tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, đóng góp vào sự thịnh vượng và tự cường của đất nước", ông Khoa nói.

Theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt mục tiêu vào top 3 ASEAN và top 50 toàn cầu về năng lực cạnh tranh số và phát triển chính phủ điện tử, năm 2030 có 5 doanh nghiệp vươn tầm thế giới, năm 2045 là 10 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Làm chủ công nghệ để đột phá vươn mình

Tính đến đầu năm 2025, Việt Nam đã có hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số. Không chỉ tăng về số lượng, năng lực của các doanh nghiệp cũng đã được khẳng định. Một số tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT, MISA, One Mount đã nhận nhiệm vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ lõi nhằm giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia.

“Cơ hội vàng” từ thị trường chuyển đổi số: Khát vọng làm chủ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam gặp đúng thời điểm vàng thị trường chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ trong nước bùng nổ mạnh mẽ, mở ra không gian phát triển rất lớn.

Kỳ vọng nhiều thương hiệu công nghệ Việt vươn tầm thế giới nhờ 4 nghị quyết trụ cột ảnh 2

Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2025.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% (2021) lên gần 70% (2024), chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4. Kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2024, hướng tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhu cầu là rất lớn và cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, Số hóa quy trình và dịch vụ công: Mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, phát triển hạ tầng số cho các ngành…

Trong khi đó, thị trường chuyển đổi số doanh nghiệp dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới với những chính sách ưu đãi đột phá về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ từ chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam, dự kiến đạt trên 20%/năm - chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển mình của khối doanh nghiệp.

Bên cạnh giới thiệu công nghệ lõi, đột phá của các doanh nghiệp công nghệ số, Vietnam – Asia DX Summit 2025 đi sâu bàn thảo để: Gỡ những nút chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, phát triển hạ tầng số, sản xuất xanh – thông minh; khai sức mạnh của AI, của tài nguyên dữ liệu số, thảo luận các vấn đề về hợp tác trong khu vực châu Á trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và biến động địa chính trị...

Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực làm chủ công nghệ không chỉ để đột phá cho chính mình, mà làm động lực cho sự đột phá toàn nền kinh tế trong kỷ vươn mình của dân tộc.

Diễn đàn Vietnam - ASIA DX Summit 2025 diễn ra trong 2 ngày với 9 phiên hội thảo, hơn 100 diễn giả, bàn thảo chuyên sâu về chính sách, nghiên cứu, hợp tác phát triển các công nghệ chiến lược: AI, IoT, dữ liệu lớn, an ninh mạng, hạ tầng và năng lượng, sản xuất xanh – thông minh, hợp tác và kinh nghiệm quốc tế. Hội thảo chuyên đề trình diễn giải pháp số tiên tiến.

Triển lãm công nghệ số và chương trình Kết nối đầu tư và hợp tác (business matching) mang lại những cơ hội gặp gỡ, trao đổi hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế hàng năm.