Vị thủ lĩnh sáng lập ngành Năng lượng nguyên tử và cũng là người tâm huyết triển khai dự án điện hạt nhân ở nước ta chính là Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử đầu tiên. Năm 1956, ông là tổ trưởng nhóm ba nhà khoa học trẻ của Việt Nam được cử sang hợp tác tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna (Liên Xô trước kia) khi đó mới thành lập. Trung tâm khoa học quốc tế hiện đại gần thủ đô Moskva trở thành cái nôi đào tạo chuyên gia ngành hạt nhân cho Việt Nam. Đến nay, lịch sử Dubna vẫn tự hào ghi nhận hai bằng phát minh có tên Giáo sư Nguyễn Đình Tứ và Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.
Trong thế hệ tiên phong, có thể nhắc tên nhiều người đã góp phần khai mở ngành Nguyên tử-Hạt nhân ở nước ta. Đó là Phó Giáo sư Hoàng Hữu Thư, người đầu tiên tổ chức bộ môn Vật lý hạt nhân hay Giáo sư Nguyễn Hữu Xý, người lập môn Điện tử hạt nhân tại Khoa Lý Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy Đinh Ngọc Lân, nhà Vật lý hạt nhân đầu tiên sau ngày Cách mạng Tháng Tám, trở thành một chuyên gia truyền bá kiến thức năng lượng nguyên tử rất tài tình.
Ngành Năng lượng nguyên tử ban đầu đã có các nhà Vật lý thực nghiệm xuất sắc như Giáo sư Phạm Duy Hiển, Phó Giáo sư Nguyễn Nguyên Phong; các nhà Vật lý lý thuyết đa tài như các Giáo sư Trần Hữu Phát, Cao Chi, Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Nguyên; các nhà Hóa học hạt nhân-phóng xạ tài năng như Giáo sư Đặng Vũ Minh, Phó Giáo sư Nguyễn Mộng Sinh. Các nhà khoa học lớp đầu tiên này trưởng thành chủ yếu từ nghiên cứu cơ bản cho nên có kiến thức khoa học uyên thâm, nhưng cũng rất nhạy bén với các ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Đơn cử như Phó Giáo sư Nguyễn Nguyên Phong, là đồng tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu phá bom từ trường và thủy lôi trong chiến tranh, sau đó ông cùng các thầy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội sớm nắm bắt phương pháp kiểm tra không phá hủy bằng tia phóng xạ, vì vậy, năm 1976 ông được cử vào Đà Lạt để chủ trì kiểm tra thành công tình trạng lò Đà Lạt trước khi xây dựng cải tạo...
Dự án cải tạo khôi phục thành công và từ năm 1984 lò Đà Lạt tái vận hành bằng nhiên liệu mới của Liên Xô với công suất 500kW, gấp đôi so với trước kia. Trong mấy năm tiếp theo, khi chúng ta đang cùng lúc xây dựng các cơ sở khoa học kỹ thuật hạt nhân ở Hà Nội, Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư Nguyễn Đình Tứ chỉ thị cho chúng tôi là cần ưu tiên dành các dự án viện trợ kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đợt đầu cho Đà Lạt, nhằm hình thành một viện nghiên cứu tương đối đồng bộ, sớm đưa các ứng dụng vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống.
Vài năm sau, nhiều phòng thí nghiệm về hóa học đồng vị hạt nhân, sinh học phóng xạ, công nghệ chiếu xạ, phân tích kích hoạt… nhanh chóng được đưa vào hoạt động cùng với một đội ngũ chuyên gia trẻ đầy nhiệt huyết đã giúp Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia sớm phát triển các ứng dụng thiết thực phục vụ y tế, nông nghiệp, địa chất và đào tạo nhân lực. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã được tặng giải thưởng Nhà nước về thành tích gần 30 năm khai thác an toàn và hiệu quả lò hạt nhân. Đó là danh hiệu xứng đáng cho một tập thể các anh chị em giỏi nghề và tâm huyết.
Cùng lúc, một mảng lớn công việc được đặc biệt coi trọng là chuẩn bị nhân lực và tổ chức nghiên cứu quy hoạch đưa điện hạt nhân vào Việt Nam. Sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tình hình rất khó khăn, nhưng Giáo sư Nguyễn Đình Tứ vẫn kiên trì dẫn dắt thực hiện những công việc vốn không dễ được đồng thuận. Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia có hai đề tài cấp nhà nước, trong đó đề tài 50A do Giáo sư Phạm Duy Hiển chủ trì nhằm phát triển mở rộng nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trên cơ sở một số nội dung đã được bắt đầu ở Đà Lạt. Giáo sư Nguyễn Đình Tứ chủ nhiệm đề tài 50B hướng vào các vấn đề công nghệ thăm dò, khai thác mỏ uran và đất hiếm, nghiên cứu chế biến nhiên liệu, vật liệu và chuẩn bị cho Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ trong phát triển điện hạt nhân.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi nguồn hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa gặp khó khăn, Chính phủ đã ký hợp tác song phương với Ấn Độ để đào tạo nhân lực và hỗ trợ công nghệ. Thí dụ, vào năm 1988 nước bạn đã chuyển giao một hệ thiết bị bán công nghiệp kèm quy trình xử lý quặng các nguyên tố hiếm ở chi nhánh Đan Phượng của Viện Công nghệ Xạ-Hiếm do Tiến sĩ khoa học Thái Bá Cầu chủ trì. Thiết bị nhanh chóng được lắp đặt và vận hành rất hiệu quả.
Năm 1986, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã trực tiếp chỉ đạo lập một trung tâm máy tính tại Hà Nội với giàn các máy PC thế hệ đầu tiên, lúc đó rất hiếm hoi, gắn kết nó với dự án viện trợ kỹ thuật của IAEA về quy hoạch điện hạt nhân. Các đồng nghiệp Phòng nghiên cứu Điện nguyên tử do Giáo sư Cao Chi phụ trách (sau này trở thành Trung tâm Nghiên cứu Quy hoạch điện hạt nhân tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân), đã sử dụng công cụ này từng bước tính toán quy hoạch điện hạt nhân trên phiên bản chương trình do IAEA cung cấp.
Công việc được đẩy mạnh vào những năm 1992-1996 nhờ nguồn kinh phí từ Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Nhà nước KC-09 “Kỹ thuật hạt nhân” do Giáo sư Nguyễn Đình Tứ làm chủ nhiệm. Lúc đầu Chương trình có 16 đề tài về các kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ, thủy văn đồng vị, y học hạt nhân, thăm dò địa chất, công nghệ nguyên liệu, nhiên liệu hạt nhân, an toàn bức xạ… Sau này Chủ nhiệm Chương trình chỉ đạo lập thêm hai nội dung: Đề tài KC-09-17 nghiên cứu chiến lược phát triển ngành Năng lượng nguyên tử và đề tài KC-09-18 về nghiên cứu kiểm soát phông phóng xạ và bảo vệ môi trường. Trong báo cáo nghiệm thu năm 1996, đề tài KC-09-17 đưa ra một dự báo quan trọng là Việt Nam cần sử dụng hài hòa các nguồn năng lượng khác nhau, trong đó phải triển khai đưa thành phần điện hạt nhân vào nước ta trong giai đoạn 2010-2015.
Hiểu rằng phải gắn kết khoa học, công nghệ với ngành kinh tế công nghiệp, vào năm 1996, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã vận động lãnh đạo Bộ Công nghiệp nhận trách nhiệm thực hiện một nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Rất đáng tiếc, giữa năm đó Giáo sư đột ngột từ trần, nhưng những gì ông khởi xướng vẫn từng bước tiếp tục được củng cố và phát triển.
Sau Chương trình KC-09, đề tài cấp nhà nước KHCN-09-04 xác định căn cứ khoa học, kinh tế, xã hội cho chương trình điện hạt nhân dài hạn (1996-1999) do Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Nguyên chủ trì và dự án nghiên cứu tổng quan về Nhà máy điện hạt nhân (1996-1998) do Bộ Công nghiệp chủ trì được thực hiện tích cực đúng như Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã gợi mở.
Cho đến năm 2016, chúng tôi là thế hệ kế cận, được tham gia ngay từ đầu chương trình Năng lượng nguyên tử quốc gia, đã tiếp bước đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đến cuối giai đoạn 2 nghiên cứu phê duyệt địa điểm và lập dự án đầu tư xây dựng. Sau 8 năm tạm dừng do có những khó khăn vĩ mô, từ cuối năm 2024, dự án được Đảng và Nhà nước cho tiếp tục thực hiện với một tiến độ cực kỳ khẩn trương để bước sang giai đoạn xây dựng, lắp đặt.
Thử thách khó khăn còn nhiều, nhưng những chặng đường đã qua giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin vào tương lai của đất nước. Trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử, các thế hệ kế tiếp sẽ không quên những nhà khoa học hạt nhân Việt Nam đã tiên phong mở đường đi đến ngày hôm nay.