Tuy nhiên, việc khai thác và quản lý khoáng sản ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác quy hoạch. Việc “gỡ khó” cho công tác khai thác khoáng sản không chỉ giúp phát huy tiềm năng tài nguyên mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của địa phương.
Theo Quyết định số 866/QĐ- TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1277/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản, tỉnh Bình Phước có khoảng 90.000 ha đất trong quy hoạch thuộc các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long, trong đó huyện Bù Đăng chiếm phần lớn diện tích. Quy hoạch đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết: Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện có 14/16 xã, thị trấn nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 78.600 ha. Trong đó, cụm mỏ Thống Nhất có tổng diện tích hơn 36.900 ha; cụm mỏ Thọ Sơn có tổng diện tích gần 17.500 ha; cụm mỏ Sóc Bom Bo có tổng diện tích hơn 10.770 ha; cụm mỏ Nghĩa Hòa có tổng diện tích hơn 13.400 ha.
Diện tích quy hoạch rộng đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2024, các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất có quy hoạch bô-xít phải tạm dừng. Trong đó, có các công trình đầu tư thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (đầu tư điện, đường, trường, trạm y tế), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các công trình cầu, cống phục vụ dân sinh… Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng, năm 2024 toàn huyện có 76 đồ án quy hoạch, 424 công trình, dự án bị ảnh hưởng. Trong đó, 22 công trình, dự án đang triển khai dở năm 2023 và 21 công trình, dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024 và có khoảng 18.737 hộ dân và 71.579 người bị ảnh hưởng.
Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng đã có báo cáo, đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành xem xét rà soát, điều chỉnh diện tích, khoanh định khu vực Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và khu vực dự trữ khoáng sản bô-xít trên địa bàn phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương. Song song với đó, huyện cũng triển khai nhiều giải pháp để sớm ổn định cuộc sống của người dân nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản. Đơn cử như trong triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian vừa qua, toàn huyện có 170 hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng cần được xây nhà mới kiên cố. Tuy nhiên, các hộ dân này có đất nằm trong vùng quy hoạch bô-xít hoặc đất lâm phần. Do đó, huyện đã kiến nghị xây dựng và lắp ghép nhà tiền chế. Đến nay 170 hộ dân đã có nhà mới khang trang. Gia đình anh Điểu Gây ở thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng là một trong 170 hộ dân được xây dựng nhà lắp ghép chia sẻ: “Nhờ lãnh đạo huyện, xã có nhiều sáng kiến xây dựng nhà lắp ghép, tôi mừng lắm. Cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tôi có được căn nhà mới. Điều này giúp gia đình tôi có thêm động lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo”.
Tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng có gần 70% diện tích đất quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản bô-xít trong tổng diện tích đất tự nhiên. Do vướng quy hoạch khoáng sản nên địa phương này đang gặp khó khi đầu tư xây dựng một số công trình dân sinh bằng nguồn vốn nhà nước. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho vùng quy hoạch, xã Thọ Sơn đã có cách làm linh hoạt trong đầu tư xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đơn cử như tại cầu Sóc Thấp ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn bị nước cuốn trôi, Ban điều hành thôn cùng với xã vận động nhân dân góp công, góp sức xây lại cầu bảo đảm đi lại cho nhân dân. Ông Điểu Yưch ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn cho biết: “Gia đình tôi canh tác 6 ha điều bên kia bờ suối nên hằng ngày phải đi qua cầu Sóc Thấp làm rẫy. Nếu cứ trông chờ thì mùa mưa này tôi không thể vào rẫy chăm sóc cây trồng. Khi được thôn, xã vận động tôi đóng gần 5 triệu đồng”.
Việc triển khai quy hoạch khoáng sản trên diện tích lớn gặp nhiều khó khăn nên vấn đề “gỡ khó” cần được các cấp, các ngành và chính những người dân bị ảnh hưởng chung sức, đồng lòng nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá mà vẫn ổn định được cuộc sống cho người dân. Trong đó cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tế, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và quyền lợi người dân, đồng thời thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm để Bù Đăng phát triển giàu đẹp.