Cần giải pháp triệt để quản lý và khai thác gầm cầu

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 200 cây cầu, lớn, nhỏ. Tuy nhiên, rất nhiều gầm cầu hiện nay bị chiếm dụng gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về an toàn giao thông. Thực trạng này diễn ra thời gian dài, rất cần các cơ quan chức năng sớm có giải pháp quản lý hiệu quả, đồng bộ, đầu tư các mô hình phục vụ cộng đồng từ các gầm cầu tránh để lãng phí kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Gầm cầu Chánh Hưng, Quận 8 trở thành nơi bỏ đồ cũ, tập trung các quán nước, bán đồ ăn, điểm tụ tập của người vãng lai. (Ảnh QUÝ HIỀN)
Gầm cầu Chánh Hưng, Quận 8 trở thành nơi bỏ đồ cũ, tập trung các quán nước, bán đồ ăn, điểm tụ tập của người vãng lai. (Ảnh QUÝ HIỀN)

Không khó để nhận diện các gầm cầu trong nội thành thành phố đang bị “xẻ thịt” với đủ hình thức như buôn bán hàng rong, chỗ đậu xe, bãi tập kết rác, đồ cũ, nơi sinh hoạt cá nhân, kể cả là nơi tá túc của người vô gia cư...

Đơn cử, dưới chân cầu Ông Lãnh (Quận 1) những người buôn bán trái cây, rau củ chọn gầm cầu làm nơi tập kết hàng hóa, giao dịch mua bán, còn buổi tối trở thành “nhà” của người chạy xe ôm. Gầm cầu Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh) trở thành bãi giữ xe tự phát cho các quán ăn. Dưới cầu Chánh Hưng (Quận 8) hình thành hàng loạt quán bán hủ tiếu, cơm trưa đồng thời là điểm vui chơi của trẻ con sinh sống gần đó.

Theo quan sát, tại đây nhiều chiếc võng được giăng dưới gầm cầu là nơi ngả lưng của những người lao động, chở hàng thuê. Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ đường Nguyễn Duy (Quận 8) cho hay: “Tôi chạy xe ôm chở hàng cho chợ Bình Điền, khi mệt tôi giăng võng nghỉ ngơi vì thoáng mát, không phải chạy lòng vòng. Bên trên xe chạy ầm ầm nên ngả lưng thôi chứ sao ngủ được”.

Mới đây, đã xảy ra sự cố cháy dưới gầm cầu Bình Triệu 1 (quận Bình Thạnh) do chập điện làm những người buôn bán gần đó sợ hãi, lo lắng. Không chỉ trong nội thành, từ cửa ngõ Đông Bắc đi vào thành phố ngay chân cầu vượt Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), một số hộ ngang nhiên bày bàn ghế, hình thành các quán giải khát.

Chiều tối, khi các quán nước nghỉ hoạt động, chân cầu trở thành bãi rác với nhiều chai lọ, túi ni-lông vương vãi... Bên dưới các gầm cầu còn trở thành nơi phóng uế, bãi chứa xà bần do nhiều người mang tới bỏ lén vào ban đêm khiến bộ mặt đô thị ở các gầm cầu luôn nhếch nhác, mất trật tự và kém văn minh.

Theo quy định, chức năng quản lý gầm cầu bao gồm cầu đường bộ, đường sắt trong đô thị thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) các địa phương.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Xây dựng được phân công đảm nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (cầu, đường) trên địa bàn thành phố, trừ các tuyến quốc lộ.

Đồng thời, Thanh tra Giao thông thành phố thuộc sở này có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm việc chiếm dụng trái phép. Vậy mà tình trạng gầm cầu sử dụng lãng phí, kém văn minh gây mất trật tự, an toàn giao thông lại chưa được các đơn vị này xử lý và chấn chỉnh triệt để.

Một số địa phương có công trình cầu đường trú đóng đề nghị Sở Xây dựng có giải pháp quản lý triệt để, tránh làm hình thức, theo phong trào. Cơ quan quản lý cần phối hợp chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến gầm cầu, nhất là các hàng quán buôn bán, bãi đậu xe tự phát, nơi tập kết rác thải.

Nhiều ý kiến đề xuất thành phố nghiên cứu sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe, khu sinh hoạt cộng đồng, công viên nhỏ do đơn vị công ích hay nhà nước đứng ra quản lý. Đơn cử, khu vực gầm cầu Sài Gòn đã được cải tạo thành công viên và nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân nhìn rất sạch đẹp, văn minh.

Xem xét bố trí bãi giữ xe cá nhân tại các gầm cầu gần trục đường Xa lộ Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội để người dân tiếp cận Metro được thuận tiện, dễ dàng, bảo đảm an toàn giao thông.

Đồng thời, để quản lý hiệu quả không gian dưới gầm cầu, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát, phân loại và có giải pháp phù hợp nhằm tận dụng không gian hợp lý và bảo đảm bộ mặt thành phố văn minh, an toàn cho cộng đồng.