Cẩn trọng khi mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng

Thời gian gần đây, trên không gian mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok xuất hiện các hội, nhóm cộng đồng công khai mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội của công nhân, người lao động. Hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm diễn ra rầm rộ trên phạm vi cả nước, đặc biệt sôi động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp có đông công nhân đang làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
 Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh THẾ ANH)
Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh THẾ ANH)

Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “mua bán bảo hiểm xã hội” trên mạng xã hội facebook, lập tức hiện lên rất nhiều diễn đàn có tới hàng nghìn thành viên tham gia như: Cầm sổ bảo hiểm xã hội; giải đáp thắc mắc bảo hiểm xã hội; thanh lý bảo hiểm xã hội trước thời hạn… Trên các trang đó, sau những tin thông báo muốn bán hay cầm cố bảo hiểm xã hội, sẽ có nhiều tài khoản công khai hoặc ẩn danh tương tác xin liên hệ mua, bán với các lời giới thiệu thủ tục đơn giản, chốt sổ sớm, trao tiền ngay cho người bán.

Các đối tượng lập các trang hội, nhóm trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh, logo của cơ quan bảo hiểm xã hội trên các trang cá nhân để gây nhầm lẫn, tư vấn miễn phí các quy định đơn giản cho người lao động để tạo lòng tin, rồi qua đó nhận mua sổ bảo hiểm xã hội, làm thủ tục có thu phí cho người lao động không hiểu biết quy định pháp luật hoặc không có thời gian làm việc với cơ quan bảo hiểm.

Hành vi mua, bán sổ bảo hiểm xã hội trái phép nêu trên thường được ngụy trang dưới hình thức “ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần”, người mua sẽ yêu cầu người lao động ký giấy ủy quyền, kèm theo giấy tờ tùy thân (căn cước công dân) và sổ bảo hiểm xã hội, nhằm hợp thức hóa quá trình rút tiền bảo hiểm một lần.

Theo quy định của pháp luật, sổ bảo hiểm xã hội được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với nhân thân từng người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, nếu công nhân, người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội là sẽ tự đánh mất “phao” an sinh khi về già, khi mất sức lao động.

Thực tế trong giao dịch mua bán sổ bảo hiểm xã hội, cả người bán và người mua đều dễ vướng vào những tình huống rủi ro chịu “thiệt đơn, thiệt kép”. Với người bán, nhiều công nhân trong tình cảnh cực chẳng đã, gặp khó khăn mà không xoay được tiền mới phải bán sổ bảo hiểm xã hội, bởi vì số tiền họ nhận được rất thấp (thường chỉ từ 40-50%) so với giá trị thật ứng với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều trường hợp do lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình mua, bán khiến người bán đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng danh tính cho các hành vi trái pháp luật khác.

Về phía người mua, họ cũng gặp rủi ro không nhỏ khi toàn bộ quyền lợi bảo hiểm xã hội theo quy định chỉ thuộc về cá nhân người lao động. Trong tình huống nếu người bán tử vong thì quyền lợi bảo hiểm vẫn thuộc về thân nhân người kê khai bảo hiểm xã hội, chứ không thuộc về người được ủy quyền (người mua).

Với những bất lợi nêu trên, người lao động nên cảnh giác, không bị xúi giục, lôi kéo vào các hoạt động quảng cáo, mua bán, cầm cố bảo hiểm xã hội. Để nắm rõ hơn các thông tin, quy định hay tìm các biện pháp hỗ trợ thay đổi bảo hiểm xã hội, người lao động nên trực tiếp liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương để được tư vấn miễn phí thật rõ ràng, chính xác. Đồng thời, người dân cũng chủ động tố giác nếu phát hiện các hành vi vi phạm liên quan tới cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.