Chiến lược cho vùng Đông Nam Bộ phát triển

Ðông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, giữ vị trí đứng đầu về thu ngân sách nhà nước. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số nhưng vùng góp phần rất lớn cho sự phát triển đất nước. Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics, đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để vùng Ðông Nam Bộ phát triển. Trong ảnh: Một đoạn đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để vùng Ðông Nam Bộ phát triển. Trong ảnh: Một đoạn đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, kinh tế vùng Ðông Nam Bộ đang chứng kiến xu hướng suy giảm về tốc độ tăng trưởng. Gần nhất trong năm 2024 vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ước đạt 6,38%, thấp hơn mức bình quân cả nước (GDP cả nước năm 2024 đạt 7,09%) và đứng thứ 4 trong sáu vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng vùng Ðông Nam Bộ có xu hướng chậm lại, nhưng nhìn chung có các nhóm vấn đề chính mà vùng đang đối mặt, đó là: Kết nối vùng chưa được đồng bộ; mô hình tăng trưởng kinh tế đối mặt với nhiều thách thức; môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro; cạnh tranh nội vùng và trong nước ngày một gay gắt, biến động quốc tế khó lường...

Ðơn cử, về mô hình tăng trưởng kinh tế của vùng đã bộc lộ những điểm hạn chế, tạo thành những nút thắt cản trở sự phát triển bứt phá. Ðiều này thể hiện qua sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế từ nguồn nội lực nền kinh tế của vùng Ðông Nam Bộ hầu như không thay đổi theo hướng tích cực.

Tăng trưởng năng suất lao động có chiều hướng giảm, trong khi chi phí lao động đang tăng và có dấu hiệu chững lại trong việc tạo sức hút nguồn cung lao động, qua đó ảnh hưởng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, là trung tâm công nghiệp của Việt Nam, nhưng việc hợp tác phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông vùng và liên kết vùng chưa được đầu tư đồng bộ. Nguồn nhân lực thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặc dù là vùng dẫn đầu về công nghiệp, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng Ðông Nam Bộ không cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, về lâu dài, việc chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thâm dụng tri thức sẽ là thách thức lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức độ liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế, còn mang tính hình thức, thiếu sự liên kết giữa các địa phương.

Nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu sự đồng bộ và kế hoạch hành động cụ thể từ các địa phương trong vùng, chủ yếu phát triển độc lập, thiếu sự phân công lao động rõ ràng và kế hoạch hành động chung để phát huy lợi thế của từng địa phương, và cho cả toàn vùng.

Ðể biến vùng thành một trung tâm phát triển năng động, bền vững và có chất lượng tăng trưởng cao, các địa phương cần tăng cường liên kết, hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là ưu tiên đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là hết sức cấp thiết.

Trong đó, cần tập trung giải quyết các nút thắt về kết nối giao thông theo hướng đầu tư, kết nối hiệu quả giữa đường bộ, đường thủy nội địa và các cảng thủy nội địa. Ðiều này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông không chỉ giúp các địa phương trong vùng giảm chi phí logistics, mà còn thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy quá trình đô thị hóa hiện đại.

Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần xây dựng chính quyền kiến tạo, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phát huy động lực thúc đẩy vùng Ðông Nam Bộ phát triển năng động với tinh thần khai phá và tiên phong, không ngừng đổi mới tư duy để phát triển đột phá.

Ðồng thời, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh đào tạo nghề và định hướng phát triển dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Các địa phương cũng cần cùng nhau xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn, trong đó lấy khoa học-công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đóng vai trò dẫn dắt, bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.