Gần 35 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, trong đó có hơn 20 năm xây dựng và phát triển Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu, GS, TS Vũ Thị Thu Hà từng trải qua rất nhiều khó khăn để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Một trong những vướng mắc lớn nhất là việc tuân thủ các thủ tục hành chính để cấp kinh phí cho các đề tài. Theo GS, TS Hà, các quy trình thủ tục đều rất rườm rà khiến các nhà khoa học mất nhiều thời gian và công sức. Trong khi đó, đáng nhẽ họ có thể dành thời gian đó tập trung cho hoạt động nghiên cứu.
Lấy thí dụ, GS Hà nhắc đến quy trình đấu thầu trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Có rất nhiều tiền chất để tổng hợp nên nhiều chất cấm, thuốc nổ… nhưng với những nhà khoa học thực nghiệm thì lại là những nguyên vật liệu rất bình thường được sử dụng trong phòng thí nghiệm. Khi thực hiện đấu thầu thì không ai tham gia bởi tâm lý e ngại khi thấy đây là những chất thuộc danh sách có kiểm duyệt. Do đó phải gia hạn đấu thầu rất nhiều lần. Trong khi đó, chúng tôi sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ nếu thiếu nguyên vật liệu. Đây là một trong những điểm vướng mắc điển hình trong hoạt động khoa học”.
Kỳ vọng vào những cơ chế đột phá
Tâm đắc với cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học được đưa ra tại Nghị quyết của Quốc hội, GS Hà cho rằng, nếu có cơ chế quỹ sẽ nhanh chóng đưa ra xét duyệt đề tài. Từ đó đặt hàng của Nhà nước cũng sẽ nhanh chóng được giao cho nhà khoa học thực hiện chứ không phải theo lộ trình từng bước một theo từng tháng, từng quý, từng năm như hiện nay. Điều này tránh được tình trạng, năm nay chưa có ngăn sách thì chưa thực hiện được. Cơ chế quỹ bảo đảm việc có sẵn nguồn tiền để cấp ngay khi đề tài được phê duyệt.
“Làm khoa học ở Việt Nam trong thời gian vừa qua là luôn phải chờ đợi, nhà khoa học vừa làm công tác chuyên môn, vừa phải tham gia các công tác về tài chính, kế toán hay đi đến hết chỗ nọ đến chỗ kia để hoàn thiện thủ tục giấy tờ… khiến cho hiệu quả nghiên cứu bị ảnh hưởng rất nhiều”, GS Hà nói.
Còn với cơ chế khoán chi, việc khoán đầu vào và đầu ra sản phẩm sẽ giúp cho nhà khoa học chủ động trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu theo từng giai đoạn là rất phù hợp.
“Nếu mà chúng ta không khoán đến sản phẩm cuối cùng mà cứ khoán chi theo định mức từng viên gạch, từng bao xi-măng… giống như trong xây dựng thì thật sự đi ngược lại với tinh thần nghiên cứu và sáng tạo. Khoán ở đây phải là khoán đối với một sản phẩm khoa học - công nghệ ở một mức độ cụ thể thì ứng với nguồn kinh phí bao nhiêu tiền, giúp nhà khoa học chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ”.
Đồng tình với những chia sẻ của GS, TS Vũ Thị Thu Hà, TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thì Nghị quyết về cơ chế thí điểm được thông qua cho thấy một tư duy mới trong thiết kế chính sách cho cộng đồng trí thức và khoa học - công nghệ nước nhà.
Theo TS Nghiêm Vũ Khải, một trong những vấn đề quan trọng mà Nghị quyết hướng tới là trao quyền nhiều hơn cho nhà khoa học, cho tổ chức khoa học - công nghệ. Đặc biệt là tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.
“Trồng một cây lúa, chúng ta còn không thể biết cây có cho ra hạt lúa hay không bởi rất nhiều yếu tố tác động từ khí hậu, sâu bệnh… thì tại sao chúng ta không thể chấp nhận những rủi ro trong khoa học. Kinh phí cho khoa học thấp nhưng nhiều khi không tiêu được, không tiêu hết là bởi vì nhà khoa học không dám làm. Họ sợ trách nhiệm, người cấp kinh phí cũng sợ trách nhiệm…”.
Chính vì vậy, TS Khải kỳ vọng, Nghị quyết lần này với nhiều điểm có thể tạo ra những động lực mới thúc đẩy sự dấn thân của nhà khoa học trong việc tạo ra những dấu ấn mới của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nước nhà.
![]() |
Công tác nghiên cứu khoa học cần nhiều thời gian, công sức. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Vẫn nhiều trăn trở
Mặc dù đánh giá rất cao và kỳ vọng vào Nghị quyết để mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhưng giới trí thức và cộng đồng các nhà khoa học vẫn còn nhiều trăn trở. Trong đó có việc triển khai các chính sách trên thực tiễn.
Theo GS, TS Vũ Thị Thu Hà, có rất nhiều điểm đột phá nhưng chúng ta thực hiện đến đâu và đi vào chi tiết gặp những ngõ cụt nào, khơi thông nó ra sao thì đòi hỏi rất lớn vào sự vận hành một cách sáng suốt của toàn bộ hệ thống.
“Chẳng hạn, cơ chế quỹ đã có nhưng chúng ta vẫn vận hành theo một cách thức kiểm soát chặt chẽ, ngặt nghèo giống như ngân sách nhà nước thì không thể là đột phá được. Hay cần phân biệt rõ tự chủ đối với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học khác với tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hệ thống cơ quan hành chính…”.
Còn theo TS Nghiêm Vũ Khải, với nhiều năm theo dõi các đổi mới về chính sách khoa học - công nghệ, ông thấy có rất nhiều vướng mắc và chồng chéo giữa các quy định của ngành với pháp luật hiện hành. Do đó, việc ban hành một cơ chế mới cũng cần đi kèm với những sửa đổi quy định khác để cho việc thực thi một cách thuận lợi.
“Nhiệm vụ tiếp theo là phải sửa đổi những điều luật khác có liên quan thì mới có một hệ thống pháp luật đồng bộ và khả thi”.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam cũng nên học tập kinh nghiệm vận hành tại nhiều quốc gia khác. Đó là sự hội nhập cần thiết để tạo một môi trường thuận lợi không chỉ cho giới học thuật trong nước mà còn có thể thu hút nguồn lực chất xám từ bên ngoài đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo. Tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.