Rẻ như... nhau

Trên thị trường tiêu dùng hiện nay, có thể thấy trừ các cửa hàng tiện lợi thì các kênh bán lẻ gồm siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa hay các sàn thương mại điện tử đều có giá bán gần như nhau.
0:00 / 0:00
0:00

Một thời các kênh bán hàng trực tuyến có lợi thế về giá, nhưng hiện nay các kênh truyền thống cũng đã có giá bán rất tốt cộng với việc vận chuyển (ship) hàng hóa tận nhà. Cảm giác hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử có giá rẻ là vì cách “báo giá” luôn ghi kiểu giá thực tế giảm “vài chục %”, nhưng nếu so với giá thực tế tại chợ hay siêu thị sẽ thấy không chênh lệch. Còn về vấn đề ship hàng thì đội ngũ shipper ngày càng đông đảo, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu của các nhà bán. Chỉ cần một cuộc điện thoại, chốt đơn là hàng đến.

Ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh chia sẻ: “Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đem lại giá tốt cho khách hàng là phải hiểu được nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi có nhiều công cụ để tìm hiểu nhu cầu thị trường, trong đó có việc lắng nghe ý kiến trực tiếp từ khách hàng, những người quen, bạn bè và ứng dụng triệt để công nghệ trong quản lý. Chẳng hạn như các hệ thống công nghệ sẽ tính toán, đo lường nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở từng khu vực, rồi sau đó sẽ tính toán, phân bổ việc thu mua hàng hóa ở đâu là hợp lý nhất để giảm hư hao, hàng bán được nhiều nhất, nhanh nhất. Nhờ vậy sẽ có giá tốt nhất, có lợi cho cả nhà cung cấp, nhà bán và khách hàng. Còn với các tiểu thương, tiệm tạp hóa, việc “hiểu” khách hàng thực dụng hơn, khi nhóm khách hàng phần lớn là các bà nội trợ. Thông thường, nhóm này không chịu quá nhiều chi phí mặt bằng. Với các hộ kinh doanh, bán tạp hóa lâu đời, nhiều người thậm chí kinh doanh ngay tại nhà. Vì vậy họ cũng có giá bán cạnh tranh, sẵn sàng “bóp” lợi nhuận trên mỗi sản phẩm để tiêu thụ tốt hơn, qua đó lãi nhiều hơn nhờ số lượng. Vì vậy, có không ít tiệm tạp hóa, dù nhìn hơi “cũ kỹ” nhưng khách luôn đông nườm nượp.

Khi giá bán đều rẻ như nhau, cùng một cách thức phục vụ khách hàng thì một mặt vẫn tồn tại sự cạnh tranh giữa các kênh, nhưng mặt khác giữa các nhà bán lẻ cũng đang có sự phát triển tương hỗ. Đơn cử như chuyện bán “vỉa hè” trước đây thường được gắn với kiểu kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, nhưng hiện nay ngay cả những nhà phân phối lớn như Thế giới di động, FPT Shop vẫn sẵn sàng tận dụng phần vỉa hè trước cửa hàng của mình để bán những mặt hàng gia dụng. Đó là những mặt hàng có giá cả phù hợp để khách dễ dàng “chốt đơn”. Điều này cũng sẽ buộc các tiểu thương, tiệm tạp hóa truyền thống phải hoàn thiện, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để giữ chân khách hàng. Tựu trung, nếu chất lượng hàng hóa ở nhiều kênh như nhau, người mua sẽ không đắn đo nữa mà dễ dàng xuống tiền, và tổng doanh thu toàn ngành sẽ tăng.