Cao tốc bắc-nam và hệ thống giám sát thông minh

Đến năm 2025, 100% tuyến đường cao tốc phải được vận hành bằng hệ thống giao thông thông minh, mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong Đề án quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận tải. Nhưng khi đường cao tốc sắp hoàn thành mà hệ thống giao thông thông minh vẫn “trễ nhịp”, nguy cơ tụt hậu ngay trên chính tuyến đường hiện đại nhất là có thật.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm thu phí trên đường cao tốc bỏ barie.
Trạm thu phí trên đường cao tốc bỏ barie.

Bài toán không chỉ là lắp thiết bị, mà là tích hợp công nghệ đa chuẩn, vận hành ổn định, đồng bộ trên toàn mạng lưới, nếu không làm đến nơi đến chốn, rất dễ “xây xong mà chưa chạy được”.

“Cao tốc số” cần qua “bộ lọc” KPI

Bộ Xây dựng vừa yêu cầu các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh (ITS) song song với tiến độ xây dựng đường cao tốc bắc - nam, nhằm đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều đoạn tuyến vẫn chậm trễ trong việc triển khai hệ thống ITS, trạm thu phí không dừng và công trình kiểm soát tải trọng xe, các cấu phần quan trọng của hệ thống giám sát điều hành giao thông.

Hiện một loạt gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các đoạn cao tốc đang được mở, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với thiết bị và công nghệ khác nhau. Điều này đặt ra rủi ro về tính tương thích và đồng bộ hệ thống. Nếu thiết bị thiếu chuẩn, chất lượng thấp, hệ thống sẽ khó tích hợp hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, và có thể bị từ chối tiếp nhận.

Khác với hạ tầng vật lý, hệ thống ITS gồm nhiều lớp công nghệ phức tạp: từ camera, cảm biến, phần mềm điều khiển, đến trung tâm dữ liệu vận hành. Mỗi phần do một nhà thầu phụ trách, nên việc tích hợp thành hệ thống hoàn chỉnh là thách thức lớn.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học - công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Xây dựng) cho biết: “Các thiết bị phải vượt qua quy trình nghiệm thu nghiêm ngặt, được đánh giá hiệu năng theo bộ chỉ số KPI trước khi đưa vào vận hành. Nếu không đạt KPI chắc chắn sẽ không được chấp thuận”.

Bộ chỉ số KPI này, theo Quyết định 2477/QĐ-CĐBVN, không chỉ áp dụng lúc hoàn thiện mà còn được dùng suốt quá trình khai thác để giám sát định kỳ, với các yêu cầu như hoạt động liên tục 30 ngày, tỷ lệ lỗi thiết bị, độ chính xác ghi nhận và truyền dẫn dữ liệu.

Ông Toàn nhấn mạnh: hệ thống ITS trên cao tốc gồm ba cấu phần chính, giám sát điều hành, thu phí điện tử không dừng và kiểm soát tải trọng xe, đều đã có tiêu chuẩn Việt Nam, thậm chí tham chiếu cả chuẩn quốc tế. “Không thể để đến lúc lắp xong mới lo kiểm tra, vận hành. Phải làm chắc từ bây giờ”.

Những cảnh báo từ thực tế khai thác

Kinh nghiệm từ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho thấy rõ điều đó. Ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Công ty quản lý khai thác tuyến đường này, cảnh báo: Nếu đấu thầu chọn thiết bị giá rẻ, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ thì khi đi vào vận hành sẽ đối mặt nguy cơ “vỡ trận”.

Một hệ thống ITS hiệu quả đòi hỏi thiết bị có độ tin cậy rất cao, vận hành liên tục và chính xác. Như hệ thống cân xe tự động, nếu dữ liệu sai, sẽ mất tác dụng giám sát tải trọng; hay camera giám sát , nếu tín hiệu kém, sẽ bỏ lọt hành vi vi phạm. Theo ông Thiêm, “độ tin cậy không chỉ đến từ phần cứng, mà còn phụ thuộc thiết kế, phần mềm, và đặc biệt là uy tín, cam kết bảo hành dài hạn từ nhà cung cấp”.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xu hướng đấu thầu hiện nay vẫn thiên về giá thấp. “Tiền nào của nấy”, nhiều nhà thầu chỉ làm “tròn vai”, hết thời hạn bảo hành 2 năm là rút lui, trong khi một hệ thống giám sát phải hoạt động ổn định 5-7 năm mới xứng tầm đầu tư.

Nếu thiết bị hỏng hóc sớm, thay thế không dễ, nhất là khi thiếu nhân lực kỹ thuật, thiếu linh kiện hoặc quy trình thủ tục phức tạp.

Với các đoạn cao tốc chạy qua địa hình khắc nghiệt, bão lũ, nắng nóng, độ ẩm cao, muối biển, thì càng cần thiết bị đã “thử lửa” trên thực địa, được lắp đặt và vận hành theo quy trình nghiêm ngặt. “Không có thiết bị công nghệ nào chịu nổi môi trường khắc nghiệt nếu chọn hàng kém chất lượng”, ông Thiêm nói.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhưng chưa chú trọng lựa chọn nhà thầu có năng lực và trách nhiệm dài hạn. Trích dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Thiêm đồng tình sâu sắc: “Lựa chọn công nghệ phải hiện đại, tiên tiến, đi tắt đón đầu. Nếu chỉ chăm chăm chọn thiết bị giá rẻ theo quy định đấu thầu, chúng ta sẽ biến mình thành bãi rác công nghệ”.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia có hạ tầng giao thông phát triển đều đầu tư rất bài bản cho ITS từ giai đoạn đầu xây dựng cao tốc. Họ không chỉ mua thiết bị, mà thuê luôn đơn vị vận hành và duy trì dịch vụ theo hợp đồng dài hạn. Đây là hướng đi mà Việt Nam có thể tham khảo để tránh tình trạng “đầu tư một lần, lỗi vặt dài hạn”.

Một khía cạnh khác cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn là vai trò của doanh nghiệp trong nước. Trong suốt ba thập kỷ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực doanh nghiệp nội vẫn chưa thật sự vươn lên làm chủ công nghệ hoặc liên kết hiệu quả với khối đầu tư nước ngoài. Đây là điểm yếu cần được khắc phục nếu Việt Nam muốn tái cấu trúc dòng vốn FDI không chỉ theo hướng bền vững mà còn mang lại giá trị lan tỏa cho toàn nền kinh tế.

Thêm vào đó, để tận dụng hiệu quả các dự án ITS, Việt Nam nên tính đến việc hình thành đội ngũ chuyên gia kỹ thuật có khả năng duy trì, cập nhật và bảo trì hệ thống độc lập. Không thể để các nhà cung cấp nước ngoài vừa triển khai vừa nắm độc quyền về vận hành, bảo trì, gây lệ thuộc dài hạn.

Với tuyến đường cao tốc bắc - nam, tốc độ triển khai đã rất đáng nể. Nhưng để hệ thống thông minh đi kèm không trở thành điểm nghẽn, cần thêm một bước chuẩn bị kỹ, từ tiêu chuẩn hóa thiết bị, lựa chọn nhà thầu đến quy trình vận hành, thì mới tránh được những bước lùi trong tương lai.