Những tín hiệu đáng mừng
Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cốt lõi. Loạt chính sách và chương trình quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định 1658/QĐ-TTg năm 2021), Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn (Quyết định 687/QĐ-TTg năm 2022), hay Chương trình “Net Zero” KC.16/24-30 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã thể hiện rõ quyết tâm quốc gia trong việc xây dựng một nền kinh tế ít phát thải, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, Chính phủ đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững (Quyết định 167/QĐ-TTg năm 2022), cung cấp cơ chế tài chính, ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp xanh.
Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Trong số này, ước tính có khoảng 200 - 300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Con số này tương đương khoảng 5 - 7% tổng số startup hiện nay.
Các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm và giải pháp của nhóm doanh nghiệp này không chỉ giải quyết vấn đề môi trường trong nước, mà còn từng bước chinh phục thị trường quốc tế.
Tiêu biểu như Công ty Enfarm Agritech, với thiết bị đo dinh dưỡng thông minh ứng dụng công nghệ IoT và AI, đã giúp người nông dân tối ưu hóa sử dụng phân bón, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện năng suất. Thiết bị này hiện đã có mặt tại Philippines với dự án trồng cà-phê trên diện tích 30.000 ha.
Điểm nổi bật của Bộ thiết bị đo dinh dưỡng thông minh của doanh nghiệp này là ứng dụng công nghệ internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để đưa ra đánh giá bốn thành phần: Đất, nước, cây trồng và phân bón, từ đó cung cấp cho người nông dân thông tin về nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Qua đó giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp thế giới là 60% lượng phân bón không được cây trồng hấp thụ, gây lãng phí tới 120 tỷ USD mỗi năm, thoái hóa một phần ba diện tích trồng trọt và tạo ra 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Hay Công ty CP Nhựa sinh học BUYO, quán quân TECHFEST năm 2023 với giải pháp đột phá là bao bì phân hủy sinh học từ bã mía và nguyên liệu hữu cơ. Sản phẩm đã đạt được các chứng chỉ, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường yêu cầu cao như châu Âu, Mỹ và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững của các tập đoàn lớn như AB InBev, Kikkoman, Bidfood.
Một số start-up cũng đã tiên phong ứng dụng giải pháp số, trí tuệ nhân tạo, blockchain và quản trị dữ liệu để tối ưu hiệu suất, giảm chi phí vận hành, giảm phát thải khí nhà kính cho ngành logistics và xây dựng hệ sinh thái logistics xanh, như Abivin, Otrfy, Hubtech…
Những giải pháp nêu trên được coi là công nghệ khí hậu bởi hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.
Thị trường công nghệ xanh toàn cầu cũng đang tăng trưởng mạnh, dự kiến đạt 22,4%/năm đến năm 2032, mở ra cơ hội vàng cho những start-up tiên phong.
“Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để cùng nhau định hình tương lai xanh và bền vững cho Việt Nam và thế giới. Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các vấn đề, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn”, ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ đánh giá.
Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, khởi nghiệp xanh tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rào cản.
Theo Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, hiện nay các start-up xanh đang đối mặt với ba nút thắt lớn: Thiếu chính sách hỗ trợ đặc thù, khó tiếp cận nguồn vốn và hạn chế về nhân lực có chuyên môn sâu trong lĩnh vực công nghệ môi trường và quản trị bền vững. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng cho sản phẩm xanh lại chưa thật sự sẵn sàng, người tiêu dùng vẫn ngần ngại chi trả cao, còn các tiêu chuẩn xanh thì chưa được phổ cập rộng rãi trong chuỗi cung ứng.
Một khó khăn khác khiến các doanh nghiệp xanh loay hoay chính là khả năng tiếp cận thị trường công. Nếu khu vực tư nhân tỏ ra chủ động, nhanh nhạy trong việc tiếp cận và hợp tác với các start-up, thì ngược lại, quá trình tiếp cận doanh nghiệp nhà nước lại thường bị “mắc kẹt” ở các thủ tục phức tạp, kéo dài từ nghiên cứu đến mua sắm sản phẩm.
Đáng chú ý, nhiều quy định pháp lý hiện hành chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ xanh. Các vật liệu mới, thân thiện môi trường vẫn thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, trong khi các tiêu chí đấu thầu lại chủ yếu dựa vào giá và kinh nghiệm, chưa tính đến yếu tố đổi mới sáng tạo, điều vốn là thế mạnh của các start-up.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Nhựa sinh học BUYO, đề xuất Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh, từ việc kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp đến việc ban hành những quy định cụ thể như cấm nhựa thông thường trong một số lĩnh vực, hay áp dụng tỷ lệ bắt buộc của nguyên liệu tái chế, nguyên liệu sinh học trong sản phẩm. Đồng thời, bà Hạnh kỳ vọng các chính sách liên quan tới trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ miễn trừ cho những vật liệu xanh, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng bền vững.
Từ góc độ doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Enfarm, nhấn mạnh vai trò tiên phong của khu vực công trong việc chấp nhận và ứng dụng các giải pháp công nghệ nội địa. Ông cho biết, sản phẩm của Enfarm được thị trường quốc tế, như Philippines, đón nhận tích cực nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền sở tại. Nhưng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước, dù chiếm thị phần lớn trong nông nghiệp và phân bón, lại tiếp nhận sản phẩm rất chậm, do vướng mắc ở thủ tục hành chính.
Ông Dũng đề xuất các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần chủ động đưa công nghệ mới vào thử nghiệm thực tế, tích hợp vào hệ thống khuyến nông địa phương để hỗ trợ nông dân, đồng thời tạo hành lang cho start-up xanh tham gia vào các dự án như tín chỉ carbon hay nông nghiệp sạch.
Một rào cản khác cũng đang cản trở các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh là tín dụng và ưu đãi thuế. Nhiều start-up cho rằng, các gói tín dụng xanh hiện nay chưa khác biệt so với các khoản vay thông thường, trong khi chính sách ưu đãi thuế cho sản phẩm công nghệ xanh vẫn chưa rõ ràng.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng start-up xanh kỳ vọng vào một chiến lược dài hạn, nơi Nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn vào khoa học - công nghệ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế xanh.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang đi đúng hướng với những chính sách chiến lược về tăng trưởng xanh. Điều cần thiết lúc này là cụ thể hóa chính sách thành hành động, từ hành lang pháp lý, ưu đãi tài chính, đến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh. Khi đó, những Enfarm, BUYO hay Abivin sẽ không chỉ là những “điểm sáng”, mà trở thành lực lượng nòng cốt kiến tạo một nền kinh tế xanh - sạch - thông minh cho tương lai.
Báo cáo “Đầu tư Khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam năm 2024” của New Energy Nexus và Clickable Impact chỉ rõ: Từ năm 2015-2023, đã có 49 công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam được đầu tư, với tổng giá trị đạt 92,6 triệu USD. Vốn đầu tư cho các start-up công nghệ khí hậu đã tăng trung bình tới 365% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Các lĩnh vực nhận được nhiều đầu tư nhất gồm: Nông nghiệp và công nghệ thực phẩm bền vững (48,4%), giao thông vận tải bền vững (40%), kinh tế tuần hoàn và thu hồi carbon (6%), chuyển đổi năng lượng (3,6%) và hạ tầng xây dựng (1,8%).