Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Tài chính Vũ Quỳnh Lê

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đánh dấu bước chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển”

NDO - Tại phiên thảo luận sửa đổi Luật Đấu thầu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần đổi mới tư duy lập pháp, từ “quản lý” sang “phục vụ và kiến tạo phát triển”. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Tài chính) về những điểm sửa đổi quan trọng của dự thảo luật này.
0:00 / 0:00
0:00
 Thi công cao tốc bắc-nam, đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45. (Ảnh minh họa MINH DŨNG)
Thi công cao tốc bắc-nam, đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45. (Ảnh minh họa MINH DŨNG)

Phóng viên: Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đặt ra yêu cầu chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển”. Xin bà cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này có những bước chuyển quan trọng nào trong tư duy lập pháp theo tinh thần của Nghị quyết 66?

Bà Vũ Quỳnh Lê: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lập pháp, khi trao quyền tự chủ lớn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, doanh nghiệp được quyền tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình.

Dự thảo lần này không chỉ đơn thuần là sửa đổi kỹ thuật mà là sự điều chỉnh lớn về tư duy điều hành và quản trị công-chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý chi tiết sang quản lý theo nguyên tắc. Đây là điều kiện để doanh nghiệp được trao quyền nhiều hơn, đồng thời cũng phải nâng cao trách nhiệm tương xứng.

Một số nội dung mới như: cho phép nhiệm vụ khoa học thực hiện khoán chi; mua gom từ hộ gia đình, cá nhân; mua sắm không sử dụng ngân sách nhà nước; ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; và sử dụng phương pháp chấm điểm kỹ thuật trong đánh giá hồ sơ dự thầu-thay vì chỉ lấy giá thấp nhất làm tiêu chí.

Đặc biệt, trong đấu thầu quốc tế và trong nước, luật khuyến khích hình thức liên danh nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiếp cận công nghệ tiên tiến. Cơ chế này dự kiến sẽ tạo động lực để doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ, tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi 7 luật ngành tài chính cũng đã đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu theo hướng tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu, có thể kể đến các giải pháp như bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá thầu nhằm rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu; bãi bỏ vai trò bên mời thầu và chuyển giao một số nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư nhằm tinh gọn, xóa bỏ cấp trung gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu; bổ sung quy định về “giá sàn” trong đấu thầu xây lắp để hạn chế tình trạng nhà thầu chào giá quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

 Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đánh dấu bước chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển” ảnh 1
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Tài chính).

Phóng viên: Hiện nay, tình trạng phá giá trong đấu thầu ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển khoa học-công nghệ làm nền tảng cho tăng trưởng đột phá, liệu quy định đấu thầu hiện nay-vốn ưu tiên giá rẻ-có dẫn đến nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, trở thành nơi tiếp nhận các công nghệ lạc hậu của thế giới?

Bà Vũ Quỳnh Lê: Luật Đấu thầu 2023 đã quy định ba phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu: giá thấp nhất, giá đánh giá (tính cả chi phí vòng đời), và kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

Tuy nhiên, trên thực tế, phương pháp giá thấp nhất vẫn được áp dụng phổ biến do dễ triển khai, trong khi phương pháp giá đánh giá đòi hỏi dữ liệu đầy đủ về chi phí vận hành, bảo trì, tiêu hao năng lượng… trong cả vòng đời dự án. Phương pháp kết hợp kỹ thuật và giá lại chỉ hạn chế áp dụng đối với những gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao.

Để khắc phục, trong lần sửa luật này, chúng tôi đã đề xuất áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cộng với nhiều đổi mới khác như: cho phép quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ theo hướng ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm; thúc đẩy mua sắm công các kết quả nghiên cứu.

Những điều chỉnh này kỳ vọng sẽ biến đổi phương thức lựa chọn nhà thầu từ “chọn rẻ nhất” sang “chọn phù hợp và hiệu quả nhất”.

Phóng viên: Xin đi sâu vào một vài vấn đề mang tính kỹ thuật nhưng trong thực tế ảnh hưởng đến kết quả trúng thầu, có thể “lọt” những nhà thầu chất lượng thấp. Đó là từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu sửa đổi bắt buộc nhiều gói thầu áp dụng hình thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ-tức mở đồng thời phần kỹ thuật và phần giá-thay vì đánh giá kỹ thuật trước như trước đây. Vậy hình thức này có dẫn đến nguy cơ lựa chọn nhà thầu giá thấp nhưng kỹ thuật không bảo đảm, và trong trường hợp nhà thầu không nộp đủ tài liệu chứng minh ngay từ đầu mà bổ sung sau khi đóng thầu thì chủ đầu tư có quyền loại không, Luật Đấu thầu có quy định rõ ràng không?

Bà Vũ Quỳnh Lê: Trong giai đoạn thực hiện Luật Đấu thầu 2013, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ có nơi, có lúc bị lạm dụng: chủ đầu tư loại bỏ nhà thầu ngay từ bước đánh giá kỹ thuật, đến bước tài chính chỉ còn một nhà thầu, làm giảm cạnh tranh và tính minh bạch. Đó là lý do Luật Đấu thầu 2023 chuyển cơ bản sang phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp thông thường.

Dù mở cùng lúc cả hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính, phương thức một túi vẫn bảo đảm nguyên tắc đánh giá tách bạch: chỉ nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật mới được đánh giá về tài chính. Tuy vậy, yếu tố giá có thể ảnh hưởng đến tâm lý của tổ chuyên gia khi đánh giá hồ sơ dự thầu, nên phương thức này chỉ phù hợp với gói thầu thông thường.

Luật Đấu thầu năm 2023 vẫn cho phép áp dụng hai túi hồ sơ đối với gói thầu yêu cầu kỹ thuật cao. Nhưng trên thực tế, tiêu chí này còn thiếu rõ ràng, gây lúng túng khi xác định. Có trường hợp do áp lực tiến độ, thủ tục một túi hồ sơ vẫn được áp dụng cho gói thầu có yêu cầu công nghệ đặc thù-tiềm ẩn rủi ro lựa chọn không tối ưu.

Để xử lý bất cập này, Luật Đấu thầu đang được đề xuất sửa đổi đồng bộ với Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (trình cùng kỳ họp Quốc hội) để áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ đối với gói thầu thuộc lĩnh vực công nghệ theo pháp luật khoa học, gói thầu có công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã quy định về làm rõ hồ sơ dự thầu sau khi đóng thầu suốt nhiều năm qua. Đây cũng là cách làm phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.

Chúng ta thấy rằng, quá trình tổ chức đấu thầu là để lựa chọn nhà thầu có năng lực và đề xuất giải pháp tốt nhất. Không nên biến cuộc thầu thành quá trình loại bỏ các nhà thầu tiềm năng, càng không nên vì những sơ suất mang tính hành chính mà bỏ qua những đề xuất tốt.

Có những trường hợp làm rõ để bổ sung những thông tin về năng lực mà nhà thầu đã có như thiếu chứng chỉ, bằng cấp, giấy chứng nhận… Có trường hợp làm rõ về thông số của hàng hoá đã chào. Đó là những nội dung đã được quy định cụ thể tại Điều 28 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Phóng viên: Cục Quản lý đấu thầu có kế hoạch gì để giám sát, đánh giá và xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động đấu thầu?

Bà Vũ Quỳnh Lê: Để bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá và xử lý vi phạm. Thông qua các đợt kiểm tra thực tế, nhiều tồn tại, sai sót đã được phát hiện trong quá trình lựa chọn nhà thầu, như việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… Trên cơ sở đó, các đoàn kiểm tra kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ chế giám sát hoạt động đấu thầu ngày càng được hoàn thiện. Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã bổ sung cơ chế giám sát thường xuyên đối với các dấu hiệu không bảo đảm yêu cầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Các dấu hiệu này có thể được phát hiện thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc qua kiến nghị, phản ánh của các bên liên quan, như: chủ đầu tư không trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ, vi phạm thời gian đăng tải, hồ sơ mời thầu có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh...

Như đã đề cập ở trên, nội dung kiểm tra, giám sát đang tiếp tục được hoàn thiện trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của 7 luật lĩnh vực tài chính. Quan điểm mới là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, minh bạch, vừa tạo môi trường pháp lý thông thoáng, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn quản lý hiện đại.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!