Nỗ lực duy trì đà tăng dù chốt lời đã xuất hiện
Lo ngại về căng thẳng thương mai leo thang trở lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể thúc đẩy mức thuế 50% đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 1/6 và cảnh báo Apple rằng có thể đối mặt với mức thuế 25% đối với tất cả iPhone nhập khẩu vào Mỹ. Điều này khiến cho sự “mềm mại” trong chính sách thuế quan với Trung Quốc trước đó của Mỹ bị xua tan trong tuần qua. Đó là dòng thông tin tác động chính lên thị trường chứng khoán toàn cầu tuần qua.
Thị trường chứng khoán thế giới phần lớn giảm điểm trong tuần vừa qua, mức giảm -2,5% ở chỉ số Dow Jones và -2,6% ở chỉ số S&P500 khiến cả 2 chỉ số này hiện thấp hơn so với đầu năm lần lượt -2,21% và -1,34%.
Ở châu Á, chứng khoán Hồng Kông đang thu hút giới đầu tư nhờ vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu, thu hút dòng vốn từ Trung Quốc và quốc tế. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Hang Seng đã tăng +17,65%, là thị trường có mức tăng tốt nhất châu Á.
Thị trường chứng khoán trong nước duy trì đà tăng điểm trong tuần qua, mặc dù áp lực chốt lời xuất hiện trong tuần, nhất là trong phiên 22/5. Chỉ số VN-Index chốt tuần ở 1.314,46 điểm, tăng +13,07 điểm, tương đương tăng +1% so với tuần trước, ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, có thời điểm chỉ số này đã chạm vùng đỉnh cũ 1.330-1.340 điểm khi đạt ngưỡng cao nhất 1.331,93 điểm.
![]() |
Các nhóm cổ phiếu đều duy trì đà tăng, hỗ trợ cho xu hướng chung của thị trường. Theo đó, nhóm cổ phiếu bluechips (VN30) có mức phục hồi tốt nhất, tăng +1,8%, trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap) và nhóm cổ phiếu trung bình (Midcap) có mức tăng lần lượt +0,74% và +0,64%.
![]() |
Tuy nhiên, độ rộng thị trường ở tuần vừa qua không còn tích cực như 2 tuần trước đó, mặt bằng cổ phiếu có sự phân hóa rõ nét khi mức tăng tập trung phần lớn ở nhóm Vingroup (+16,15%). Thống kê cho thấy, chỉ số VN-Index tăng thêm 13 điểm, trong đó 2 cổ phiếu VIC (+16,25%) và VHM (+18,62%) đóng góp tới 22,56 điểm.
Một số nhóm cổ phiếu duy trì đà tăng như: Hàng không, Cảng biển/Logistics… Ngược dòng thị trường là các nhóm cổ phiếu như: Viettel (-5,58%), Công nghệ (-3,22%)…
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính lại có diễn biến trái chiều nhau. Trong đó, chỉ số HNX-Index có tuần giảm -2,37 điểm, kết tuần tại 216,32 điểm, tương ứng mức giảm -1,08% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index tăng +0,89 điểm, đóng cửa tại 96,22 điểm.
![]() |
Thanh khoản toàn thị trường tuần qua vẫn duy trì ở mức khá tốt, mặc dù có suy giảm so với tuần trước khi tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn. Theo đó, giá trị giao dịch toàn thị trường tuần vừa qua còn 24.707 tỷ đồng, giảm -6,8% so với tuần trước đó. Thanh khoản khớp lệnh cũng sụt -4,6% còn 22.383 tỷ đồng.
![]() |
Tuy thị trường phân hóa nhưng trong tuần vẫn có nhiều nhóm cổ phiếu vẫn thu hút được dòng tiền như: Bất động sản, nhóm Vingroup, logistics, đầu tư công, hàng không…
Sau hai tuần mua ròng liên tiếp, khối ngoại quay lại bán ròng trong tuần qua, mặc dù giá trị bán ròng không quá lớn. Theo đó, trong tuần, khối ngoại bán ròng -718 tỷ đồng. Tuy vậy, kể từ đầu tháng 5 khối ngoại vẫn đang mua ròng +3.385 tỷ đồng – đây cũng là tháng mua ròng đầu tiên kể từ tháng 01/2024.
![]() |
Cơ hội “phá đỉnh” chịu áp lực
Thị trường chứng khoán trong nước về cơ bản vẫn khá tích cực. Đúng như dự báo trước đó, thị trường đã chịu áp lực bán chốt lời nhiều hơn, nhưng đà tăng vẫn được giữ khá vững. Nếu nhìn một cách tổng quan, thị trường vận động tuần qua là khá tốt. Điểm số hướng tới kháng cự cao hơn, trên nền thanh khoản giảm nhẹ cho thấy sự hụt hơi không quá lớn. Điểm cần kiểm chứng có lẽ là thanh khoản phiên cuối tuần giảm khá đột ngột, song điều này cần theo dõi thêm.
Thanh khoản cũng là tín hiệu cần quan tâm nhất tuần này, nếu mặt bằng thanh khoản giữ được ở mức tốt, thị trường sẽ vào nhịp tích lũy tốt. Thị trường vẫn chịu nhiều biến động từ các thông tin quốc tế, đặc biệt là những thông tin khó lường từ thuế quan, hay tin lãi suất từ FED. Mặc dù vậy, riêng thị trường trong nước, tâm lý nhà đầu tư nội có thể vẫn ổn khi có nhiều tiến triển khá tích cực về quá trình đàm phán thương mại Việt-Mỹ. Những thông tin hiện có về hợp tác giữa hai nước gần đây cũng tạo tâm lý kỳ vọng về một kết quả tích cực hơn trước đây.
![]() |
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index có phần giảm động lực ở ngưỡng 1.320 điểm. Chính vì vậy, vùng cản ngắn hạn của thị trường, tương ứng với 1.320-1.330 điểm sẽ là thử thách lớn của VN-Index tuần này. Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin hỗ trợ tuần cuối tháng 5 không nhiều, kết hợp với áp lực chốt lời, nên khả năng “phá đỉnh” 1.340 điểm không cao. Mặc dù rằng, điều đó cũng không có nghĩa là thị trường không có khả năng vượt đỉnh.
Chính vì vậy, tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng hơn và điều này có thể quan sát được qua dòng tiền tuần mới. Trong bối cảnh thông tin hỗ trợ tạm thời thiếu vắng, việc quản trị danh mục là ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn. Còn về trung dài hạn, cơ hội vẫn tốt với ai theo trường phái đầu tư giá trị.