Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng

NDO - Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng lần đầu được Kiểm toán Nhà nước ban hành, kết hợp giữa quy trình kiểm toán và tố tụng hình sự, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
Giải quyết nhanh chóng các nội dung kiểm toán.
Giải quyết nhanh chóng các nội dung kiểm toán.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu phát triển đất nước, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 88-NQ/ĐU ngày 19/2/2021 về lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (chiến lược).

Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng ảnh 1
Kiểm toán Nhà nước đã quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.

Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan thụ hưởng, sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 88-NQ/ĐU cũng hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đề ra, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước đã tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của ngành. Trong nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành 40 văn bản quy phạm pháp luật và 122 văn bản quản lý. Bên cạnh đó, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác phối hợp xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể là phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và ban hành thông tư liên tịch quy định về cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước…

Chất lượng kiểm toán được nâng cao

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước phát triển hệ thống tổ chức bộ máy tiến tới đồng bộ nhằm thực hiện toàn diện, hiệu lực, hiệu quả quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cấp vụ, Kiểm toán Nhà nước khu vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng ảnh 2

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chỉ đạo hoạt động ngành kiểm toán.

Theo Phó Tổng kiểm toán Doãn Anh Thơ, hiện nay, Kiểm toán Nhà nước có gần 2.100 người, trong đó có khoảng 1.900 công chức, viên chức, kiểm toán viên và gần 200 lao động hợp đồng. Số công chức giữ các ngạch kiểm toán viên chiếm 87% và đều có trình độ đào tạo từ đại học trở lên.

Thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng kiểm toán, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô và phạm vi rộng như: chuyên đề huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; công tác lập, phân bổ vốn đầu tư chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15…

Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng ảnh 3
Các kiểm toán viên không ngừng đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Kết quả kiểm toán đã cung cấp nhiều kiến nghị có giá trị cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán, giúp hoàn thiện pháp luật, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Tổng hợp kết quả kiểm toán tại thời điểm tháng 1/2025 cho thấy, giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng, kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 1.054 văn bản có nội dung không phù hợp quy định pháp luật hoặc thực tiễn nhằm bịt “lỗ hổng”, tránh thất thoát, lãng phí; chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đặc biệt, lần đầu tiên, tại Kỳ họp Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các mục tiêu chiến lược hội nhập và hợp tác quốc tế; chiến lược phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; chiến lược phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng ảnh 4
Các kiểm toán viên nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.

Kiểm toán nhà nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với trọng tâm là hiện đại hóa hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao năng lực quản lý tài chính công, tài sản công, đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước và nhân dân.

Từ những kết quả trên, có thể khẳng định rằng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ giữ vai trò then chốt, định hướng cho toàn bộ quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.