BFA do 25 nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore… và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường..., qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ sự phát triển bền vững của khu vực châu Á cũng như thế giới. Trong khuôn khổ kỳ họp lần này, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã được bầu làm Chủ tịch mới của BFA.
Được coi là Diễn đàn kinh tế thế giới của khu vực châu Á, BFA năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á đang triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Bên cạnh đó, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy..., buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.
Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc BFA 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cao “các đề xuất Bác Ngao”. Theo đó, “các đề xuất Bác Ngao” đã giúp xây dựng lòng tin tại châu Á, khuyến khích hợp tác, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tăng cường xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ áp dụng các chính sách thúc đẩy tự do và tạo điều kiện ở mức cao đối với thương mại và đầu tư. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nước hợp tác làm cho châu Á cùng thế giới trở nên hòa bình, thịnh vượng và cởi mở hơn.
Phát biểu ý kiến nhân dịp dự BFA 2018, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ tương lai của nhân loại, đồng thời nhấn mạnh, các vấn đề trở ngại trong tiến trình toàn cầu hóa cần được giải quyết thông qua hợp tác toàn cầu và các cơ chế đa phương, thay vì chủ nghĩa đơn phương hay chủ nghĩa bảo hộ. Ông cũng kêu gọi sự tuân thủ trật tự quốc tế, bày tỏ hy vọng Trung Quốc tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa đối với việc giải quyết với các vấn đề quốc tế và khu vực.