Triển lãm do Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) chủ trì, phối hợp Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) tổ chức trong các ngày từ 14/5 đến 16/5.
Theo các chuyên gia, sản xuất thông minh đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhất là khi thế giới bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sản xuất thông minh cũng thể hiện một quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, để trở thành những doanh nghiệp số hoặc doanh nghiệp được tạo nên một tầm mới nhờ chuyển đổi số.
Chuyển đổi số sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, cách vận hành doanh nghiệp, thậm chí thay đổi cách tư duy, kỹ năng, lực lượng lao động. Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại, doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra sản phẩm tốt, tiết kiệm chi phí, năng suất cao, đi kịp với thời đại.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Hạnh, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, lợi ích lớn nhất của doanh nghiệp khi chuyển đổi số là giám sát được quá trình sản xuất, vận hành bằng dữ liệu thông qua các thiết bị IoT; tối ưu hóa quy trình sản xuất dựa vào dữ liệu, phân tích; đồng thời, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép dự báo, dự đoán công tác vận hành, bảo trì của dây chuyền sản xuất.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ một số thông tin kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi số ở đơn vị. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho biết, sau 5 năm (2019-2024) triển khai chuyển đổi số, công ty đạt được mặt bằng tăng trưởng mới, từ mức độ tăng 8-10%/năm lên 20%/năm.
Bước vào kỷ nguyên mới, Rạng Đông xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, số và xanh với mục tiêu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, thương hiệu tầm khu vực và quốc tế; top 120 doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh thu tầm tỷ USD, lợi nhuận trên 100 triệu USD.
Nhận thức sâu sắc vai trò của công nghệ, bà Trần Thanh Việt, nhà sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn VGreen, một doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chia sẻ, chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, bảo toàn tối đa lợi khuẩn sống, duy trì hoạt tính sinh học và gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, nhờ ứng dụng chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý sản xuất đã giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
![]() |
Vùng nguyên liệu trà của công ty cổ phần Tập đoàn VGreen. |
Đồng thời, doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý để bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền lợi người tiêu dùng. Với sự đầu tư đó, sản phẩm của VGreen đã hiện diện tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc và đã vươn ra thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore… “Công nghệ là chìa khóa giúp chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn, đưa thực phẩm tự nhiên Việt vươn ra thế giới”, bà Trần Thanh Việt nhấn mạnh.
Theo bà Trần Thanh Việt, chuyển đổi số và áp dụng sản xuất thông minh không chỉ áp dụng trong ngành công nghiệp hay logistics mà trong chế biến, bảo quản nông sản, vai trò của công nghệ càng trở nên then chốt. Công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng mà còn tối ưu hóa bảo quản, tăng giá trị cho nông sản Việt.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trước tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, nếu các doanh nghiệp không có sự đầu tư, chính sách đổi mới công nghệ, có thể sẽ bị đào thải trong sân chơi toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh.