Nhà khoa học "nặng lòng" với tiếng Việt

NDO - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Ngôn ngữ học. Ông sinh năm 1954 tại Nam Định, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về tiếng Việt. Ông đột ngột ra đi ngày 10/5, để lại nhiều công việc còn dang dở, và nhiều tiếc thương cho bạn bè, học trò, đồng nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Ngôn ngữ học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Ngôn ngữ học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình được biết đến với nhiều ấn phẩm về ngôn ngữ như: Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2002); Đi một ngày đàng (Nhà xuất bản Lao động, 2003); Tiếng Việt: Từ chữ đến nghĩa (Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2004); Tiếng Việt từ cuộc sống (Nhà xuất bản Trẻ, 2004), Người đẹp: Ăn làm sao, nói làm sao (Nhà xuất bản Trẻ, 2005); Luận chữ, luận nghĩa (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2007); Tiếng Việt yêu thương (4 cuốn, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2008); Tiếng Việt: Hành trình qua những ô chữ (Nhà xuất bản Tri thức, 2009); Giải nghĩa ca dao, thành ngữ, tục ngữ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2013)...

Ông còn làm thơ, viết báo, làm cố vấn cho chương trình “Vua Tiếng Việt” và tham gia giảng dạy, hướng dẫn nhiều thạc sĩ, nghiên cứu sinh về ngôn ngữ.

“Lặn ngụp” nhiều năm trong dòng chảy văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình luôn đưa ra những đánh giá thấu đáo, thỏa đáng về sự vận động và phát triển của ngôn ngữ Tiếng Việt trong đời sống.

Ông cho rằng: “Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống và trong "bức tranh ngôn ngữ muôn màu" không thể không nói tới ngôn ngữ giới trẻ...

Thực tế có không ít người trẻ chê bai ngôn ngữ các "ông bô bà khốt" cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời. Trong khi đó, cũng không ít người già khăng khăng cho rằng ngôn từ giới trẻ bây giờ "hỏng, bát nháo, tùy hứng", làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.

Nhưng chúng ta phải xác định rõ "thế nào là trong sáng?". Trong sáng không có nghĩa là không chấp nhận những yếu tố "nội sinh và ngoại sinh" trên nền tảng đã có. Trong sáng là đầy đủ, hợp lý, đúng mực và tạo sự thuận lợi cho giao tiếp. Già và trẻ cần phải hợp tác với nhau vì sự phát triển của tiếng Việt”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình cũng cho rằng, không có "ngôn ngữ mạnh" và "ngôn ngữ yếu", chỉ có ngôn ngữ "giàu đẹp" và ngôn ngữ "giàu tính biểu cảm" (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…). Tiếng Việt càng ngày càng phát huy vai trò và thế mạnh của mình với tư cách là một ngôn ngữ tiêu biểu cho loại hình ngôn ngữ đơn lập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học tại Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc Trung tâm Việt Nam học tại Hà Nội, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông tận tụy trong công tác chuyên môn, nhưng rất hào sảng, thân thiện, gần gũi, hóm hỉnh trong đời thường.

Nhà khoa học "nặng lòng" với tiếng Việt ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình (ngoài cùng bên trái) cùng các khách mời, cố vấn trong chương trình "Vua Tiếng Việt".

Nói về người đồng nghiệp của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: “Những bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt bao giờ cũng hồn hậu, chan chứa tình yêu với tiếng nói, hồn vía dân tộc. Anh viết về vườn rau tự trồng trên sân thượng thật chân chất. Người đọc thấy sự nâng niu, niềm vui của anh đối với từng quả bí, quả bầu, từng cây cải, từng quả cà chua nhỏ. Tôi chưa thấy anh Tình nói xấu về ai bao giờ, có ai nói không tốt về anh thì anh cũng chỉ cười hì hì”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp kể lại kỷ niệm: “Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình rất mê bóng đá. Có hôm xem ti-vi, có cảnh nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình viết bình luận bóng đá, tôi thấy thương anh vô cùng. Người ta xem bóng đá thì ngả ngớn bia lạnh lai rai phòng máy lạnh, còn anh thì cởi trần hong người trước quạt điện cơ, tay lăm lăm cây bút ghi ghi chép chép chi tiết phút nào bên nào được phạt góc, phút nào cầu thủ nào vào thay cầu thủ nào, phút nào bàn thắng không được ghi vì việt vị, phút nào ai ghi bàn... Anh phải khổ nhọc để hôm sau có bài bình luận trên báo”.

Thương tiếc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, kiêm Trưởng Ban Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Việt Nam xúc động chia sẻ: “Anh Phạm Văn Tình là một cựu chiến binh, một người anh, người đồng môn, đồng nghiệp yêu quý, gắn bó với tôi gần 50 năm nay, từ khi học cùng một lớp, ngủ cùng một phòng ở Ký túc xá Mễ Trì, học cùng lớp nghiên cứu sinh ở Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Ngôn ngữ học.

Anh Tình luôn đắm đuối, tận tụy, vất vả ngược xuôi vì gia đình, anh em, bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp, cả cuộc đời cháy hết mình, khổ sở hết mình, cọc cạch một mình cùng con xe máy đầy bụi bặm vì khoa học, văn chương, ngôn ngữ, báo chí, vì sự trong sáng của Tiếng Việt”.

Yêu và "nặng lòng" với tiếng Việt, một đời nghiên cứu, tìm hiểu, giữ gìn vẻ đẹp của Tiếng Việt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình còn được biết đến là một nhà khoa học có tư tưởng hiện đại. Ông luôn cổ vũ việc thay đổi ngôn ngữ cho phù hợp sự phát triển của xã hội, trân trọng sáng tạo của giới trẻ.

Nhà khoa học "nặng lòng" với tiếng Việt ảnh 2

Bìa một cuốn sách của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình luôn nhấn mạnh việc giáo dục ngôn ngữ trong học đường thông qua sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Không nên để các bạn trẻ lãng quên tiếng Việt bằng việc vi phạm, thậm chí phá vỡ các chuẩn mực ngôn từ đã hình thành từ lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc.

Ông cũng đặc biệt xem trọng vai trò của báo chí truyền thông trong quảng bá, định hướng mọi người nói đúng, viết đúng, và hơn thế nữa còn phải nói hay, viết hay. Truyền thông báo chí luôn được coi là chuẩn mực nên mọi sản phẩm của nó có giá trị lan tỏa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình cũng cho rằng, Quốc ngữ (ngôn từ cách nói năng của Tiếng Việt) là một trong những nhân tố tạo nên hồn văn hóa dân tộc. Người làm báo ngoài tri thức, nghiệp vụ còn phải là người có văn hóa thì mới viết đúng, viết hay, viết sâu sắc, và đây chính là “ngọn cờ chuẩn” cho mọi người noi theo.