Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết: “Cổng thông tin nq57.most.gov.vn không chỉ là một kho dữ liệu mở, mà còn là nền tảng giúp lan tỏa các sáng kiến công nghệ có tính ứng dụng cao. Đây là bước đi chiến lược để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi vào thực tiễn - nơi doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt”.
Tại sự kiện, FPT là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu với 14 sản phẩm giải pháp được công bố, trải rộng trong nhiều lĩnh vực như: Các giải pháp chuyển đổi số, tự động hóa, xác thực điện tử akaMES, akaBot; FPT.eContract; FPT.eSign, FPT.IDCheck; Giải pháp y tế số FPT.EMR; Giải pháp bảo mật thông tin; Nền tảng AI Agent, FPT Cloud; Chip Make in Vietnam - Made by FPT…
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT cho biết: “FPT vinh dự có 14 sản phẩm giải pháp được Bộ Khoa học Công nghệ đưa vào công bố trên Cổng thông tin điện tử về sản phẩm, giải pháp khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
"Nền tảng là nơi tập hợp hệ sinh thái Make in Vietnam được chọn lọc, thẩm định kỹ lưỡng, khẳng định năng lực tự cường, tự chủ công nghệ của Việt Nam, giúp kết nối các sáng kiến công nghệ và nhu cầu thực tiễn của quốc gia, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực", ông Trần Đăng Hòa đánh giá.
Chủ tịch FPT IS nhấn mạnh, FPT cam kết tiếp tục nỗ lực đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực vào hệ sinh thái công nghệ Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, góp phần khẳng định vị thế quốc gia số.
Trong số 32 sản phẩm và giải pháp mới được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố trên nền tảng trực tuyến nq57.most.gov.vn, Tập đoàn Công nghệ CMC cũng có 5 sản phẩm được lựa chọn công bố, trải đều ở nhiều nhóm lĩnh vực công nghệ số, từ nền tảng hạ tầng, AI, điện toán đám mây đến các giải pháp phục vụ quản trị, hành chính công.
![]() |
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long trao chứng nhận sản phẩm cho các doanh nghiệp. |
5 sản phẩm của CMC thể hiện triết lý phát triển “Make in Vietnam” - tập trung vào các nền tảng công nghệ lõi và giải pháp có tính ứng dụng cao, đóng vai trò hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số cho chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thí dụ, trợ lý ảo CLS được phát triển từ nhu cầu thực tiễn của quá trình cải cách thể chế. Trợ lý ảo CLS ứng dụng AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Với khả năng tự động phân tích và đề xuất xử lý, CLS là một trong số ít công nghệ được đề xuất triển khai trong nhiệm vụ quốc gia về hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sản phẩm cũng thuộc nhóm 25 công nghệ lõi đang được CMC tập trung đầu tư.
Nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud hiện chiếm hơn 25% thị phần điện toán đám mây nội địa, với hệ thống trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 3 và kết nối quốc tế tốc độ cao 40Gbps. Đây cũng là một trong hai sản phẩm được CMC đăng ký triển khai cấp quốc gia...
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: "Việc 5 sản phẩm của CMC được lựa chọn công bố chính thức là niềm tự hào, nhưng trên hết là sự xác nhận cho hướng đi kiên định mà chúng tôi theo đuổi là phát triển công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn, với giải pháp cụ thể, có thể triển khai ngay cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ".
Ông Chính cũng nhấn mạnh, với các Nghị quyết lớn như Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 68, môi trường phát triển đổi mới sáng tạo đang dần mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân công nghệ Việt.

Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học và công nghệ trong nông nghiệp
Việc nhiều sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân được lựa chọn công bố chính thức cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của doanh nghiệp tư nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Khi chính sách đồng hành cùng thực tiễn, công nghệ sẽ không chỉ dừng ở tiềm năng mà trở thành động lực thúc đẩy phát triển.