CHỦ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi nhận định, việc quy hoạch lại vùng và sáp nhập đơn vị hành chính mở ra cơ hội đồng bộ hóa không gian phát triển, rút ngắn quá trình tiếp cận các khu chức năng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Về nhu cầu ở thực, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho rằng, tại Hà Nội và các tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Hưng Yên nhu cầu vẫn rất lớn, nhất là phân khúc nhà ở bình dân và trung cấp. Trong khi căn hộ cao cấp tại Hà Nội đang tồn kho lớn do giá bán vượt quá khả năng chi trả của nhiều người, các dự án nhà ở giá hợp lý tại các khu vực như Gia Lâm, Đông Anh hay Bắc Giang lại ghi nhận thanh khoản cao. Phân khúc nhà ở bình dân không chỉ đáp ứng nhu cầu ở thực mà còn mang lại tính thanh khoản tốt, giảm rủi ro tồn đọng vốn.
Bên cạnh nhà ở, bất động sản công nghiệp cũng là một lựa chọn hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, bất động sản vùng Thủ đô đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ theo hướng bền vững, đa chức năng và liên vùng. Với cú hích từ hạ tầng, chính sách giãn dân và dòng vốn đầu tư đổ về, các đại đô thị vùng ven và tỉnh vệ tinh sẽ trở thành “đô thị nối dài” đầy tiềm năng cho cả an cư và đầu tư trong 5 đến 10 năm tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về rủi ro khi chạy theo các phân khúc “nóng” ngắn hạn như đất nền đấu giá hoặc căn hộ hạng sang. Nhà đầu tư cần tránh tâm lý đầu cơ đất nền ở các khu vực chưa rõ quy hoạch vì rủi ro pháp lý và biến động giá rất cao. Thay vào đó, nên ưu tiên các dự án từ chủ đầu tư uy tín để có được sự bảo đảm về tiến độ cũng như chất lượng sản phẩm.
Một trong những bài học lớn nhất từ các chu kỳ bất động sản trước đây là cần đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp lý và quy hoạch. Luật Đất đai năm 2024 đã đưa ra quy định về thu tiền sử dụng đất hằng năm thay vì một lần nhằm hạn chế đầu cơ, “găm” quỹ đất. Nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ pháp lý dự án để chủ động về nguồn vốn đầu tư, hạn chế rủi ro. Việc đánh giá pháp lý không chỉ dừng ở việc kiểm tra sổ đỏ hay giấy phép xây dựng mà còn phải xem xét quy hoạch tổng thể của khu vực. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần cảnh giác với hiện tượng “sốt giá cục bộ” tại một số địa phương xuất phát từ những thông tin quy hoạch chưa chính thức.
Luật Đất đai và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8/2024 đã mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư thông qua các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở và hạ tầng. Điều này đặc biệt quan trọng khi vùng Thủ đô đang thu hút lượng lớn vốn FDI, với Bắc Ninh và Hải Dương ghi nhận hơn 2 tỷ USD đầu tư vào bất động sản công nghiệp trong năm 2024.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, các chính sách hỗ trợ tín dụng và ưu đãi thuế là cơ hội không thể bỏ qua. Theo thống kê, dư nợ tín dụng bất động sản tại Việt Nam đã tăng 16% trong năm 2024, đạt 3,35 triệu tỷ đồng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp.
Nhìn nhận chung về thị trường bất động sản vùng Thủ đô, các chuyên gia đều đánh giá cao cơ hội, tiềm năng nhưng cũng lưu ý nhà đầu tư cần tránh tâm lý đầu cơ ngắn hạn và ưu tiên các dự án có pháp lý minh bạch, hạ tầng đồng bộ.