PHÓ Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy cho biết: Xác định bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025, huyện Phù Cừ đã cụ thể hóa các tiêu chí về môi trường thành các chỉ tiêu, có kế hoạch giao chỉ tiêu cho từng xã. Huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phát động các phong trào bảo vệ môi trường; “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, phong trào “3 sạch”... Công tác tuyên truyền phải đi trước, sâu rộng và phù hợp với từng đối tượng. Phát huy được vai trò của tổ chức đoàn thể và sự tham gia tích cực của nhân dân chính là yếu tố quyết định thành công.
Các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường. Việc tổ chức thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được Hội Phụ nữ các xã phát động, nhân rộng với mục tiêu phân loại rác ngay từ đầu nguồn, giảm áp lực thu gom-vận chuyển-xử lý tập trung; đồng thời tận dụng lượng rác hữu cơ để làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp đã mang lại những thay đổi lớn về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện có 18.390 hộ đạt 89,91% tổng số hộ dân trong huyện thường xuyên thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại gia đình. Mỗi ngày, lượng rác hữu cơ được xử lý tại chỗ ước khoảng 22,5 tấn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chi phí ngân sách cho thu gom, vận chuyển.
Việc thực hiện các hương ước, quy ước bảo vệ môi trường được triển khai tại tất cả các thôn, làng với 100% số hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường. Phong trào tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, dọn cỏ rác, vớt rác kênh mương, chỉnh trang nhà cửa được tổ chức thường xuyên và trở thành nét đẹp văn hóa.
Điểm nổi bật trong phong trào bảo vệ môi trường ở huyện Phù Cừ là mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”, được triển khai đồng bộ tất cả 13 xã. Thông qua các buổi sinh hoạt, tập huấn và tuyên truyền tại cộng đồng, các hội viên phụ nữ đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp thay đổi thói quen tiêu dùng. Từ việc sử dụng túi nilon khi đi chợ, mua sắm, nhiều người dân chuyển sang túi vải, làn nhựa, hộp đựng thực phẩm. Do vậy, 98,2% lượng chất thải nhựa phát sinh tại địa bàn được thu gom, phân loại và xử lý đúng quy định. Nhờ sự chung tay của phụ nữ và các tổ tự quản, hiện tượng vứt rác bừa bãi, nhất là rác thải nhựa tại kênh mương, đường làng gần như không còn. Tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, việc sử dụng túi thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến. Các sản phẩm nhựa không còn bị vứt bừa bãi mà được tận dụng bán lại cho người thu mua, tái chế đúng quy trình.
Tổ đội vệ sinh môi trường là lực lượng nòng cốt tuyến đầu, với 41 tổ đội của 13 xã trên địa bàn huyện, hoạt động thường xuyên tại tất cả 50 thôn. Ngoài công việc thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân, các tổ đội còn tích cực tham gia khơi thông dòng chảy, vớt bèo rác, làm cỏ ven đường và hỗ trợ trong các đợt tổng vệ sinh lớn, nhất là dịp lễ, Tết và ngày môi trường… Cùng với đó là sự vận hành hiệu quả của 8 Hợp tác xã môi trường và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp-môi trường tại các xã: Quang Hưng, Đoàn Đào, Đình Cao, Tam Đa, Nhật Quang… Các đơn vị này đảm nhiệm thu gom rác từ điểm tập kết thôn, xã vận chuyển về nhà máy xử lý rác tập trung góp phần đưa tỷ lệ chất thải sinh hoạt, chất thải không nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98,45%; trong đó hơn 18.000 tấn rác tồn đọng đã được xử lý trong năm 2024.
Công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi được triển khai nghiêm túc. Trên 1.900 cơ sở và gần 1.750 hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường, tuân thủ quy định pháp luật. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học, ủ phân…, giúp bảo đảm vệ sinh môi trường và tái sử dụng tài nguyên. Với chất thải nguy hại như bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, huyện đã trang bị 645 bể chứa tại các cánh đồng, người dân tự giác thu gom đúng nơi quy định. Từ năm 2022-2024, trên 28 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được thu gom, xử lý. Chất thải y tế cũng được hợp đồng xử lý với Công ty Urenco-11, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Thời gian tới, huyện Phù Cừ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, nâng cấp các bãi tập kết rác tạm thời và tăng cường xử lý rác thải tồn đọng. Tiếp tục đẩy mạnh mô hình phân loại rác tại nguồn, nhân rộng mô hình tổ đội môi trường tự quản và duy trì bền vững phong trào “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”.
Bằng cách làm sáng tạo, linh hoạt và sát thực tiễn với nhiều mô hình hiệu quả được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện đã góp phần hình thành nếp sống văn minh, sạch đẹp tại các vùng quê, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững; huyện Phù Cừ đã trở thành điểm sáng của tỉnh Hưng Yên về xây dựng môi trường nông thôn.