NẰM cách trung tâm thị trấn Ðông Hưng khoảng 5 km, làng Khuốc có tên thường gọi là làng Cổ Khúc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng; nay là xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình. Chèo làng Khuốc có tự bao giờ chính người dân nơi đây cũng không nhớ chính xác, chỉ biết rằng lớp lớp người làng Khuốc vẫn lớn lên, trưởng thành trong chính làn điệu mượt mà, đằm thắm, trữ tình của mảnh đất quê hương.
Những năm gần đây, người dân làng Khuốc biết nhiều đến những hoạt động truyền dạy chèo cổ của bà Phạm Thị Cậy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo của làng. Bà kể, các nghệ nhân chỉ dạy bằng cách truyền khẩu và làm mẫu động tác cho mình bắt chước, chứ nào có được dạy xướng âm như bây giờ. Hát đã khó, nhưng đệm với trống còn khó hơn gấp bội, bởi những chỗ giai điệu hát ngân hoặc ngừng nghỉ mới được phép điểm dìu lên mặt, đánh trống lúc nghệ nhân mở miệng hát là điều cấm kỵ. Cùng một làn điệu, tiết tấu như nhau, nhưng phong cách chèo Khuốc hát mộc mạc, giản dị, rộn rã và xao động hơn. Lối hát chèo Khuốc không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm. Dù lối hát cổ rất khó và phức tạp, nhưng bao năm qua bà Cậy vẫn bền bỉ truyền dạy cho lớp trẻ trong làng thành danh và đưa tiếng hát truyền thống bay cao, bay xa.
Giờ đây về làng Khuốc, những tên làng, tên xóm xưa cũ như Khuốc Bắc, Khuốc Tây, Khuốc Ðông cũng gắn với những câu lạc bộ hát chèo quy tụ nhiều thế hệ tham gia sinh hoạt. Từ năm 2002 đến nay, địa phương được tiếp nhận các dự án, chương trình bảo tồn nghệ thuật hỗ trợ mở các lớp truyền dạy chèo tại nhà.
Thái Bình trước đây có ba vùng chèo nổi tiếng gồm chèo Hà Xá (huyện Hưng Hà), chèo Sáo Đền (huyện Vũ Thư) và chèo Khuốc (huyện Ðông Hưng). Đến nay, ngoài chèo Khuốc thì chèo Sáo Đền ở xã Song An, huyện Vũ Thư vẫn được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, gìn giữ. Những câu lạc bộ chèo còn phát triển tại thôn Ô Mễ 2 xã Tân Phong, chèo thôn La Uyên xã Minh Quang và chèo thôn Thuận An xã Việt Thuận. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng những làn điệu múa, giọng ca của người nông dân quanh năm bám làng, bám ruộng đồng vẫn ngân vang, đầy sức sống trong các lễ hội làng, buổi giao lưu hay thi tài trong và ngoài tỉnh.
Bà Phạm Thị Dung ở thôn An Phúc, xã Song An nay đã ngoài 60 tuổi là người có công dựng giã, khôi phục hát chèo từ năm 2003. Bà Dung âm thầm phục dựng, vận động các bà, các chị có tâm huyết, đam mê với loại hình văn hóa truyền thống duy trì tập luyện lại các điệu chèo cổ và sáng tác những bài hát mới để cổ vũ nhiệm vụ chính trị ở địa phương cũng như động viên tinh thần hăng say trong lao động sản xuất. Trên các sân khấu lớn nhỏ, câu lạc bộ chèo của bà Dung trình diễn thuần thục các tích chèo cổ từng được nhiều người biết đến, như: Quan Âm Thị Kính, Thị Mầu lên chùa, Lý trưởng mẹ mõ… Tất cả đều được các thành viên trong câu lạc bộ tự biên, tự diễn mang đến sự mộc mạc, tự nhiên và thuần chất vốn có của làn điệu chèo truyền thống.
Nhằm giữ gìn tinh hoa truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư tổ chức tổng kết lớp truyền dạy nghệ thuật chèo và ra mắt Câu lạc bộ Chèo Sáo Đền, xã Song An. Chỉ trong thời gian ngắn, các học viên là hạt nhân văn nghệ, thành viên câu lạc bộ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về hát múa, biểu diễn và sử dụng một số nhạc cụ; đồng thời trực tiếp thực hành biểu diễn các làn điệu chèo cổ, gồm: Lới lơ, đào liễu, đò đưa, sa lệch chênh, hề mồi thắt lưng xanh, xẩm xoan, luyện năm cung… Với kỹ năng điêu luyện trong hát chèo truyền thống, bà Dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng Nghệ nhân Văn hóa dân gian.
Thái Bình được biết đến là “cái nôi của nghệ thuật hát Chèo”. Toàn tỉnh hiện có 234 câu lạc bộ Chèo; 100% trường học đưa hát Chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy - đây là một minh chứng cho sự lan tỏa và sức sống của Chèo trong xã hội đương đại. Đất và người Thái Bình đã chắp cánh cho nghệ thuật Chèo lan tỏa, thực sự là hồn cốt của người dân quê lúa. Năm 2023, nghệ thuật Chèo ở tỉnh Thái Bình được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia