TUYẾN đường sắt Hà Nội-Hải Phòng được khởi công từ năm 1901 dưới thời Pháp thuộc. Ga Hải Phòng với kiến trúc Pháp cổ kính, được gìn giữ gần như nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ, là một điểm nhấn kiến trúc lịch sử và văn hóa độc đáo của thành phố, có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, đường sắt không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là một phần trong di sản lịch sử, văn hóa của thành phố và đất nước. Đây là điều kiện thuận lợi để Hải Phòng nghiên cứu, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với đường sắt.
Về phía ngành đường sắt, các sáng kiến như phong trào “Đường tàu - Đường hoa” với ý tưởng mỗi cung đường trồng một loài hoa đặc trưng hay mỗi khu ga trở thành một điểm đến văn hóa, check-in ấn tượng giúp hành khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm xây dựng sản phẩm du lịch theo tuyến Hà Nội-Hải Phòng bằng đường sắt; tổ chức các chương trình du lịch kết hợp đi tàu, tham quan, trải nghiệm ẩm thực và văn hóa tại Hải Phòng, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch.
Ông Nguyễn Chính Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2023, lượng khách đi tàu trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng đạt 1,46 triệu lượt và tiếp tục tăng lên 1,53 triệu lượt trong năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhu cầu đi lại và du lịch bằng đường sắt vẫn rất lớn nếu có sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu này, ngành đường sắt đã không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, thay mới các toa xe, xây dựng phòng chờ VIP tại các ga chính như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng; tổ chức các dịch vụ thuê xe máy, xe đạp công cộng cho du khách tại nhà ga.
Mới đây, ga Hải Phòng chính thức được công nhận là điểm du lịch và đưa vào khai thác đoàn tàu Hoa Phượng Đỏ từ ngày 10/5. Đây là bước đi quan trọng nhằm kết nối hệ thống giao thông đường sắt với hệ sinh thái du lịch của thành phố, giúp du khách có thể bắt đầu hành trình khám phá ngay khi vừa xuống tàu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Cao Văn Tuấn đánh giá, việc khai thác tiềm năng du lịch đường sắt không chỉ giúp phát triển sản phẩm du lịch mới mà còn góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản của ngành đường sắt, một ngành có lịch sử hơn 100 năm tại Việt Nam. Những chuyến tàu không đơn thuần là phương tiện di chuyển mà còn chở theo những câu chuyện lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất Hải Phòng.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lữ hành S9 Hải Phòng Lưu Hoàng Điệp chia sẻ, muốn phát triển bền vững du lịch đường sắt cần nâng cao dịch vụ trên tàu, có thể phát video giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, đời sống của người Hải Phòng để du khách được trải nghiệm khi còn trên tàu. Đồng thời, thành phố cần quy hoạch các khu tổ hợp nhà hàng, biểu diễn âm nhạc dân tộc,… gần ga tàu để thuận tiện phục vụ du khách.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành đường sắt và du lịch được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển các tour du lịch trải nghiệm bằng đường sắt, kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản quý báu của thành phố Hoa phượng đỏ