Với dân số hiện đã vượt qua ngưỡng 100 triệu người, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn thứ 16 trên thế giới, và đang trong thời kỳ “dân số vàng” với tỷ trọng dân số từ 15 đến 64 tuổi chiếm 67,4%, cứ hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi của Việt Nam cũng là con số rất lớn; với khoảng 21 triệu trẻ em, chiếm khoảng 20,6% tổng dân số. Đây là điều kiện cơ bản, rất quan trọng giúp Việt Nam có đủ nguồn lực về con người để phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Việt Nam - một trong số các quốc gia đi đầu thực hiện các quyền trẻ em
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo công bố kết quả điều tra về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam năm 2023, thẳng thắn nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, sinh thời Bác Hồ từng nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Thực tế, nhất quán quan điểm này, Việt Nam luôn coi trẻ em chính là nền tảng hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã đặt việc chăm sóc và phát triển trẻ em là quốc sách hàng đầu.
Với tinh thần đó, Việt Nam luôn là một trong số các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các quyền trẻ em. Cụ thể: Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên hợp Quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990. Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp luật trong nước hài hòa với các quy định của Công ước và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2012 đến năm 2023, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã thực hiện thường xuyên các cuộc điều tra thống kê về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em. Đã có tổng cộng 3 cuộc điều tra thực hiện vào các năm 2012, 2018, 2023 và Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ trì thực hiện.
![]() |
Nguồn:TCTK |
Từ kết quả của cuộc điều tra, Việt Nam đã có được một bức tranh toàn diện về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2023. Các thông tin có được là rất cơ bản và đầy đủ, như: quy mô dân số trẻ em; quy mô trẻ em tham gia lao động; quy mô lao động trẻ em; tình trạng đi học của lao động trẻ em; các vấn đề về sức khỏe lao động trẻ em gặp phải khi làm việc…
Nỗ lực và cam kết của Việt nam trong xóa bỏ lao động trẻ em
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam đánh giá, khảo sát năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng, với việc Việt Nam lần đầu tiên tích hợp dữ liệu về trẻ em tham gia lao động vào Điều tra Lao động việc làm. Cách tiếp cận này vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, cho phép theo dõi thường xuyên xu hướng lao động trẻ em đồng thời đưa ra một mô hình mà các quốc gia khác có thể học hỏi. Bằng cách áp dụng phương pháp tích hợp này, Việt Nam củng cố vai trò tiên phong trong việc sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu để phòng ngừa và giải quyết lao động trẻ em.
Theo bà Ingrid Christensen, quá trình này tiếp tục phản ánh năng lực nâng cao của Việt Nam trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, điều này rất quan trọng để xây dựng các chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng. ILO tự hào cung cấp hỗ trợ trong việc xây dựng năng lực này, hợp tác cùng Việt Nam để củng cố khuôn khổ giải quyết lao động trẻ em. Những nỗ lực của Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Việt Nam với tư cách là một Quốc gia tiên phong Liên minh Toàn cầu 8.7 và phù hợp các mục tiêu quốc tế nhằm xóa bỏ lao động trẻ em.
Mặc dù những tiến bộ đạt được trong 5 năm qua rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn những thách thức. Nhiều trẻ em vẫn phải đối mặt với công việc nguy hiểm, làm việc quá số giờ cho phép và các rủi ro khác, đặc biệt là trong nông nghiệp và công nghiệp. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác và hỗ trợ liên tục để bảo đảm các gia đình có thể ưu tiên giáo dục và sinh kế bền vững. Song bà Ingrid Christensen cho rằng, điều quan trọng là phải đặt sự tiến bộ của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. Lao động trẻ em vẫn là một thách thức toàn cầu. Theo ước tính mới nhất của ILO và UNICEF, lần đầu tiên sau hai thập kỷ, tiến bộ trong việc xóa bỏ lao động trẻ em đã bị đình trệ, với ước tính có khoảng 160 triệu trẻ em trên toàn thế giới tham gia lao động trẻ em vào năm 2020. Tác động của Covid-19 và các cuộc khủng hoảng phức tạp đã có nguy cơ đảo ngược những thành tựu khó giành được trong việc giải quyết lao động trẻ em.
Các chính sách chủ động của Việt Nam, cùng sự phối hợp, hỗ trợ của các đối tác, đã góp phần giảm lao động trẻ em, tạo ra một tấm gương tích cực trong khu vực và toàn cầu. Khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế và hội nhập sâu hơn vào thương mại toàn cầu, xóa bỏ lao động trẻ em sẽ không chỉ bảo vệ quyền trẻ em mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và lực lượng lao động tương lai của đất nước.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương bày tỏ tin tưởng, đây sẽ là nguồn thông tin giá trị cho Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; cũng như có căn cứ để các đối tượng dùng tin triển khai hoạt động nghiên cứu và các công tác khác nhằm góp phần chăm lo ngày một tốt hơn cho sự phát triển của trẻ em, để trẻ em Việt Nam có một tuổi thơ hạnh phúc và Việt Nam có thế hệ kế cận tiềm năng.
Tại Việt Nam, quyền được phát triển của trẻ em được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.