Cảnh báo sớm cho mùa mưa bão 2025: Nhiều hình thái thời tiết “cực đoan"

Những cơn mưa cực đoan đầu mùa và trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra đêm 17/5 tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là những cảnh báo về diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2025 khi mùa mưa bão đã cận kề.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Yến Dương dọn dẹp đường dân sinh sau lũ. Ảnh: Thu Trang
Người dân xã Yến Dương dọn dẹp đường dân sinh sau lũ. Ảnh: Thu Trang

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn nước ta, thiên tai năm nay không đến mức quá khốc liệt, nhưng diễn biến thời tiết bất thường rất dễ xảy ra. Ngay đầu mùa mưa chúng ta đã chứng kiến trận mưa 200mm trong vòng gần ba giờ đồng hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh và mới nhất là ở Tuyên Quang, Bắc Kạn. Các trận mưa 100mm trong vòng một giờ (còn gọi là mưa “cực đoan”) sẽ diễn ra khá phổ biến. Đây là vấn đề rất quan ngại của hình thái thời tiết năm nay.

Thiên tai diễn ra dồn dập

Nhiều người dân ở thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc và thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) tới nay vẫn ám ảnh về tiếng nổ lớn trước khi lũ quét, sạt lở đất ập về trong đêm ngày 17/5 và rạng sáng 18/5. Chưa khi nào, họ phải trải qua những giờ phút căng thẳng, kinh hoàng đến thế.

Ông Tiểu Xuân Tài, Trưởng thôn Phiêng Khăm nghẹn ngào kể: Khoảng 22 giờ 30 phút, một tiếng nổ lớn vang lên từ đỉnh núi khiến nhiều người giật mình. Sau đó, nước, đất đá từ trên cao tràn xuống, cuốn theo mọi thứ trên đường đi. Cũng theo ông Tài, khoảng vài năm trước, đỉnh núi phía sau thôn Phiêng Khăm xuất hiện vết nứt rộng khoảng 2m, và kéo dài hàng chục mét. Người dân đã cảnh giác với vết nứt này, nhưng vụ sạt lở xảy ra quá đột ngột, bất ngờ nên người dân không kịp ứng phó. Đây cũng là trận sạt lở đất nghiêm trọng nhất xảy ra ở Phiêng Khăm trong vài chục năm trở lại đây.

Theo UBND huyện Ba Bể, qua rà soát, Ba Bể xác định có chín xã nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay, UBND huyện Ba Bể yêu cầu chính quyền và người dân địa phương đề cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra mưa lớn.

Tại Tuyên Quang, từ 11 giờ ngày 18/5 đến 11 giờ ngày 19/5, đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Chủ động phòng, chống và triển khai các giải pháp khắc phục, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Trước đó, vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 16/5, tại công trường thi công công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã xảy ra sự cố sạt lở đất, đá khi đang thi công hố móng đập. Sự cố công trình đặc biệt nghiêm trọng làm chín công nhân bị thương vong, trong đó có năm người bị vùi lấp và bốn trường hợp bị thương. Tới nay địa phương vẫn tiếp tục khắc phục hậu quả.

Hướng tới cảnh báo đa thiên tai

Theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều công nghệ, phương pháp cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai địa chất nhưng thường có tác dụng tốt chỉ với quy mô hẹp.

Trong những năm qua, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) đã vận động tài trợ, bảo đảm kinh phí lắp đặt 903 trạm đo mưa tự động và 24 tháp cảnh báo lũ tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ ở cộng đồng tại 49 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đến nay, số lượng trạm đo mưa tự động do QPT hỗ trợ lắp đặt chiếm gần 50% số lượng trạm đo mưa chuyên dùng phòng chống thiên tai trong cả nước.

TS Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) nhấn mạnh: Lũ quét và sạt lở đất tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với người dân. Do đó, việc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm là hết sức cần thiết để phòng ngừa hiệu quả các thảm họa này. “Một hướng đi rất quan trọng được đề cập là xây dựng hệ thống điện tử tích hợp, kết nối và chia sẻ thông tin kịp thời, đưa cảnh báo tới tận thôn, bản, tới từng hộ gia đình. Đây là điều mà nhiều địa phương đang trăn trở và nỗ lực thực hiện”, ông Phát gọi đây là hệ thống cảnh báo “đa thiên tai”, đáp ứng được nhiều loại hình rủi ro thiên nhiên khác nhau.

Tuy nhiên, để hệ thống cảnh báo thật sự phát huy hiệu quả, việc tổ chức và vận hành hệ thống truyền tải thông tin đến người dân là yếu tố then chốt. Theo ông Phát, cần thiết tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định dài hạn, đặc biệt là các quy chuẩn, quy chế xây dựng công trình, cũng như cơ chế khuyến khích để lực lượng xung kích hoạt động hiệu quả. Đáng chú ý, một số cảnh báo cần được quy định dưới hình thức pháp lý, nhằm bảo đảm tính ràng buộc và hiệu lực thi hành.

Về diễn biến mùa mưa bão năm nay và giải pháp ứng phó, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp: "Tổng thể mưa năm nay không ở mức quá cao nhưng sẽ có nhiều trận mưa ở mức bất thường. Với khu vực miền núi, những cơn mưa có lượng mưa trong một giờ đồng hồ lên tới 100mm, chúng tôi quan ngại rất dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Vì vậy, khi có dự báo, cảnh báo có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, chính quyền địa phương, người dân phải chủ động sơ tán ngay tới nơi an toàn để bảo đảm an toàn tính mạng đầu tiên. Cùng với đó, trong quy hoạch xây dựng mới ở các tỉnh miền núi, các địa phương dứt khoát không cho người dân xây dựng ở khu vực có nguy cơ sạt lở".

Cũng theo ông Hiệp, bài học kinh nghiệm đầu tiên và lớn nhất là công tác dự báo và cảnh báo. Song, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là các địa phương đang tiến hành sáp nhập và bỏ cấp huyện. Nếu không có quyết tâm, nỗ lực và chỉ đạo thường xuyên có thể có tình trạng lơ là, dẫn tới những hậu quả rất nguy hiểm. Do đó, công tác dự báo, cảnh báo mưa bão năm nay cần tiếp tục chú trọng hơn, phải bảo đảm kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa. Cùng đó, hiện thực còn đòi hỏi bản lĩnh, sự chủ động, dám quyết, dám làm, dám chịu của người đứng đầu. Thí dụ, trong bão Yagi, câu chuyện trưởng bản ở Lào Cai khi thấy bản có nguy cơ bị sạt lở đã sơ tán bà con đến nơi an toàn, là một minh chứng sống động.

Điều quan trọng nữa là, không thể bỏ qua sự chủ động của cấp chính quyền và người dân, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ”. Đối với những vùng hay bị chia cắt, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, chính quyền địa phương cần lưu ý tìm nơi tránh trú an toàn tại chỗ. Các địa phương cần xây dựng điểm tránh trú an toàn cho mỗi tụ điểm dân cư, có dự trữ lương thực, thực phẩm. Nếu triển khai được điều này, thiệt hại chắc chắn sẽ giảm đi nhiều.